Bộ Chính trị tán thành với việc sớm ban hành nghị quyết cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế
Cùng làm việc còn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng với các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Động lực phát triển
Trình bày Tờ trình về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho thấy, kinh tế Thừa Thiên Huế đã tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp gắn với du lịch đang trở thành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển.
Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện; bước đầu hình thành phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển du lịch; đã hình thành chuỗi 7 đô thị lớn và 4 khu kinh tế cùng với hệ thống chuỗi khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2009 – 2018 đạt trên 140.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 52,7% (tăng 9% so với năm 2009); đời sống vật chất của người dân được nâng lên; chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ; hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; chưa đạt được mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thấp…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và lãnh đạo tỉnh trao đổi bên hành lang buổi làm việc
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị khẳng định, nếu áp dụng bộ tiêu chí xét công nhận thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên Huế như hiện nay là không còn phù hợp. Do đó, cần thiết phải xây dựng Thừa Thiên Huế một bộ tiêu chí riêng có để xây dựng đô thị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Tập thể Bộ Chính trị cho rằng, cần nghiên cứu một cơ chế đặc thù phù hợp về đầu tư nguồn lực cho Thừa Thiên Huế. Trong định hướng phát triển thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch; tăng cường thu hút đầu tư tập trung; giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển. Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải có nét đặc sắc, riêng biệt của cả nước.
Xây dựng nét đặc sắc, riêng biệt
Bộ Chính trị tán thành với việc sớm ban hành nghị quyết cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế, nhưng phải có điểm nhấn. Nhiệm vụ sắp tới là cần tiếp tục phát triển, định hướng theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị, nhưng phải ra được một nghị quyết mới, thể hiện được khát vọng và quyết tâm để xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.
Kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế trong xây dựng Tờ trình về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc tổng kết thực hiện Kết luận 48 hiện nay là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là cơ sở cho việc sớm xây dựng, ban hành nghị quyết mới cho sự phát triển của tỉnh, mà còn là cơ sở để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Thừa Thiên Huế có những nét rất riêng biệt về những giá trị di sản văn hóa, nên tỉnh cần chú trọng gìn giữ nét bản sắc riêng này. Nói đến Huế là nói đến cố đô, vùng đất rất đặc thù. Con người sâu lắng, trầm tư, ít ồn ào, từ giọng nói đến tính cách. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế cần phải có sự đổi mới, táo bạo, khát khao hơn nữa để vươn mình mạnh mẽ, trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống của tỉnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, thông qua buổi làm việc, Bộ Chính trị tập trung, cho ý kiến và thống nhất cần ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; giúp Thừa Thiên Huế phát huy được vai trò, vị thế là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và Thừa Thiên Huế sớm hoàn thành nghị quyết; trong nghị quyết, sớm cụ thể hóa, xây dựng bộ tiêu chí đặc thù, cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù về trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế để sớm thông qua. Nghị quyết phải là quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, định hướng các lĩnh vực sắp tới và giao trách nhiệm cho các cơ quan phải làm đôn đốc, quyết liệt, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đã đóng góp ý kiến ủng hộ chủ trương sớm ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh Thừa Thiên Huế nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Bộ Chính trị, sớm phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tiến hành xây dựng dự thảo nghị quyết.
Bài, ảnh: Anh Phong