ClockThứ Bảy, 12/10/2019 20:10

Bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Khóa XII

Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 12/10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.

Ngày làm việc thứ 4 Hội nghị Trung ương 11Ngày làm việc thứ ba Hội nghị Trung ương 11Ngày làm việc thứ hai Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIINgày làm việc thứ nhất Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIIHội nghị Trung ương 11 Khóa XII: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mớiKhai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu bế mạc, khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho Đại hội XIII của Đảng

Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản tán thành những nội dung, vấn đề được trình bày trong các dự thảo báo cáo, tờ trình. Các dự thảo văn kiện đã chắt lọc, phản ánh được kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; kiểm điểm, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, sát với thực tế và có nhiều phát hiện, đề xuất mới. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương cũng đóng góp, gợi mở, cho nhiều ý kiến quan trọng, nhất là trên những vấn đề lớn và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội XIII của Đảng - Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cả về văn kiện và nhân sự để Đại hội thành công tốt đẹp, thật sự là Đại hội đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển.

Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh các dự thảo gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến; tổ chức tốt việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện, trình Trung ương xem xét thông qua trong năm 2020, sau đó xin ý kiến nhân dân trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu phát triển đất nước

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, việc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016 - 2020), nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, phải thực sự khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan.

35 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là một quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, nhất là 10 năm gần đây, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; đồng thời cũng phải thấy còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong nhiệm kỳ khóa XII, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích: Những thành tựu đạt được có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nguyên nhân quan trọng nhất là sự đoàn kết thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng; sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội; sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, trách nhiệm của nhân dân; sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc đánh giá khách quan tình hình và nguyên nhân của những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, dự báo đúng tình hình đất nước và xu thế phát triển của thế giới trong thời gian tới, là điều kiện để xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2021 – 2026…

Giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, những vấn đề thực tiễn đặt ra

Toàn cảnh phiên bế mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: Cần tiếp tục bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu, tổng kết, thảo luận, tạo sự thống nhất cao hơn về mục tiêu, quan điểm, các khâu đột phá và một số vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là những vấn đề liên quan đến việc nâng cao nhận thức, nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn. Đó là mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Đặc biệt, cần quan tâm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, thiết thực và cụ thể như: Đổi mới, hoàn thiện thể chế, huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn để triển khai xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tranh thủ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong quản lý phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo...

Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, phải phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm đã có được trong nhiệm kỳ khóa XII, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về mọi mặt; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội; giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước. Tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân của cán bộ, đảng viên; có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; khuyến khích, động viên, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; cải cách hành chính trong Đảng; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.

Kết quả năm 2019 tạo động lực cho những năm tiếp theo

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2019, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.

Trung ương khẳng định, những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2019 đã tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Trung ương cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội; tình hình trong nước, quốc tế và khu vực còn tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả, thành tích đã đạt được mà trái lại, phải tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 - 2020, năm sau phải tốt đẹp hơn năm trước.

Để có thể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, cần tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích và kinh nghiệm, bài học đúc rút được từ thực tế đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng

Cũng tại Hội nghị này, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 4 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các đại biểu dự họp. Ảnh: TTXVN

Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng ủy Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường. “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành công tốt đẹp, góp phần kết thúc thắng lợi năm 2019 để bước vào triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 với quyết tâm cao và khí thế mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước chung sức đồng lòng, phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2019 và truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc ta, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ quân đội Lào

Chiều 28/10, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (xã Hương Thọ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan - Lào. Trung tá Trần Minh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chỉ huy trưởng, Kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh dự và chỉ đạo buổi lễ.

Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ quân đội Lào
Return to top