Người dân thì sốt ruột vì càng để lâu sắn càng hao hụt, lượng tinh bột bị giảm. Nhà máy cũng bị áp lực, dù tăng sản lượng thu mua gấp rưỡi, gấp đôi so với công suất chế biến bình thường vẫn không thu mua hết được lượng sắn người dân chở đến nhập. Điều này không ai muốn, nhưng vẫn tái diễn mỗi khi có lũ lụt...
Thu hoạch chạy lũ là điệp khúc lặp đi lặp lại với hầu hết các địa phương và nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Chỉ riêng đợt mưa lũ vừa qua, người dân Gio Linh (Quảng Trị) dù gặt chạy lũ nhưng lúa vẫn bị nảy mầm không sử dụng được; hay nhiều diện tích lạc giống của người dân huyện Đakrông bị trồi gốc, củ giống bị nảy mầm, thối rễ.
Không chỉ với các loại cây trồng, nuôi trồng thủy sản cũng là ngành dễ bị tổn thương do tác động biến đổi môi trường. Mấy năm trước, chuyện cá nuôi trên sông Bồ của người dân bị chết hàng loạt do nguồn nước cạn kiệt trong mùa hè hay nước lũ về đột ngột làm thay đổi môi trường từng tái diễn nhiều lần. Điều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thời tiết nên khá bấp bênh.
Trở lại chuyện thu hoạch sắn chạy lũ vừa qua, ngoài diện tích phải thu hoạch, nhưng với tâm lý lo sợ thua lỗ, nhiều diện tích chưa bị ngập lụt và chưa đến tuổi thu hoạch, người dân vẫn ồ ạt thu hoạch đại trà dẫn đến tình trạng ùn ứ ở nhà máy. “Của đau, con xót” nên người dân thu hoạch sắn sớm là chuyện dễ hiểu. Nhưng ở bình diện rộng hơn cho thấy nhiều vấn đề. Đó là việc quy hoạch vùng sản xuất đã phù hợp, an toàn chưa, hay là sản xuất tự phát? Việc liên kết giữa cơ sở chế biến với các hộ dân, HTX ra sao, có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể chưa hay giao phó cho các đầu nậu.
Nếu không có sự liên kết chặt chẽ, đầu ra nông sản bấp bênh, người nông dân luôn đứng trước nguy cơ thua lỗ, không thể an tâm sản xuất. Khi không có nguồn nguyên liệu ổn định, cơ sở chế biến cũng sẽ đối diện với nguy cơ phá sản. Đây là khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho cả người nông dân và đơn vị chế biến.
Với người nông dân, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, việc sản xuất nhờ trời, đánh bạc với thời tiết là điều càng phải tránh. Thắng vài vụ nhưng chỉ cần mất mùa một vụ là bao nhiêu vốn liếng, tích lũy có nguy cơ mất trắng. Do vậy, việc cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ là điều cần tính toán kỹ để hạn chế tối đa rủi ro. Chẳng hạn, với cây sắn cần khảo sát kỹ diện tích vùng trồng, nơi nào cần trồng sớm để có thể kịp thu hoạch trước lũ, nơi vùng cao trồng muộn hơn để rải mùa vụ thu hoạch; hoặc với nghề nuôi cá lồng cũng vậy, tính toán kỹ thời gian, thả con giống kích cỡ lớn hơn để có thể thu hoạch tỉa, thu hoạch sớm trước khi mùa lũ về…
Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp hữu hiệu hạn chế tác động của môi trường, thời tiết. Tuy vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao nhưng là xu hướng phát triển của tương lai, giúp hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho người dân.
Một thực tế đặt ra, có những nông sản dù thu hoạch chạy lũ đưa về nhà vẫn bị hư hỏng, không còn sử dụng được do thiếu khâu bảo quản sau thu hoạch. Theo thống kê, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở nước ta khá cao (vào khoảng 20-25%). Hầu hết các nông sản đều bị tổn thất sau thu hoạch, nhất là gặp lũ lụt thì tổn thất còn lớn hơn nhiều lần. Điều này làm giảm hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, khiến nông dân chưa thể làm ăn bền vững, dễ lâm vào cảnh được mùa - mất giá. Đây là vấn đề đặt ra với các cơ sở sản xuất, HTX- với vai trò là “bà đỡ” của nông dân. Đồng thời, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tới chính sách tín dụng đối với việc đầu tư công nghệ trong lĩnh vực này, bởi lẽ tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ của nông hộ, HTX và ngay cả các doanh nghiệp chế biến cũng gặp không ít khó khăn.
Hoàng Minh