ClockThứ Hai, 02/07/2018 14:21

Thu hút và sử dụng người tài

TTH - Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) mới đây đã chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng đội ngũ khoa học, có chính sách ưu đãi để xây dựng, sử dụng đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực”. Trong thực tế, giữa thu hút người tài và trọng dụng họ lại là vấn đề cần phải bàn.

Chúng ta đã ban hành một số chính sách ưu đãi để thu hút người tài, người có trình độ chuyên môn cao vào bộ máy nhà nước, các trung tâm nghiên cứu, kể cả những ưu đãi từ ngân sách hỗ trợ người đi học nâng cao trình độ. Có nhiều địa phương thu hút người có trình độ bằng mức lương cao, cấp nhà đất và  sắp xếp vị trí lãnh đạo... Thế nhưng, thu hút người tài vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí người có trình độ cao, có năng lực chuyên môn xin ra làm cho các dự án nước ngoài, doanh nghiệp FDI và mở doanh nghiệp tư nhân.

Nguyên nhân quan trọng nhất là chính sách của chúng ta chưa phù hợp, đồng bộ và chế độ ưu đãi vật chất chưa thực sự thỏa đáng. Một số địa phương đã mạnh dạn trong cách làm nhưng vẫn bị vướng vào cơ chế, nguồn ngân sách có hạn nên khó duy trì lâu dài. Chính sách tuyển dụng chưa có đột phá cần thiết trong ưu đãi vật chất, những công trình nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu chưa được đầu tư đúng mức, còn dàn trải. Hy vọng với chủ trương đề ra trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng…”,  chúng ta sẽ có được nguồn cán bộ trình độ cao, thực chất và bền vững hơn.

 Một số cơ quan nhà nước thậm chí không muốn nhận người giỏi về làm việc vì nhiều lý do tế nhị, nhưng chính là sợ bị ảnh hưởng “ghế”, sợ hơn lãnh đạo “cái đầu”, dẫn đến mất uy khi làm việc. Thế nên mới có chuyện khi được bổ sung cán bộ có trình độ về lại không được giao nhiệm vụ để phát huy tài năng mà lại giao việc vặt, việc không đúng chuyên môn. Có nơi còn để cán bộ “ngồi chơi xơi nước” hết sức lãng phí. Không ít lãnh đạo còn gây áp lực cho cán bộ trẻ, tạo bức xúc cho họ phải xin chuyển công tác. Nặng nề hơn khi thủ trưởng còn tìm cớ để dìm người, không đưa vào diện cơ cấu quy hoạch lãnh đạo. Ngẫm câu nói của Nguyễn Trường Tộ thời phong kiến vẫn đúng: “Kẻ không có tài mà có quyền thì cứ muốn người khác cũng không có tài, để khỏi lộ cái bất tài của mình ra, rồi làm đủ cách để chôn vùi người có tài đi”. Ngay cùng đồng nghiệp với nhau nhưng ai đó đi học về, có trình độ hơn thì xử sự của mọi người cũng đã khác. Không thiếu những biểu hiện đố kỵ, chia rẽ, cấu kết hạ uy tín lẫn nhau trong quá trình làm việc, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Từ đối xử của cấp trên đến xử sự của đồng nghiệp đã làm ảnh hưởng đến cán bộ, phát sinh tiêu cực trong phát huy năng lực của cán bộ.Môi trường làm việc cũng là yếu tố tác động khi mà cán bộ học tập ở nước ngoài đủ điều kiện cho nghiên cứu khoa học, phát huy chuyên môn, nhưng khi về nước lại bị ràng buộc bởi môi trường hạn hẹp, cơ sở vật chất không đảm bảo nên khó phát huy.

Người tài là nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển đất nước. Muốn thu hút và sử dụng tốt người tài, cần có cơ chế chính sách phù hợp đủ sức lôi kéo những người có trình độ, năng lực, có tay nghề cao. Bên cạnh đó, lãnh đạo cần có “tâm và tầm” trong phát hiện và sử dụng người tài. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”  nên đừng để lãng phí…

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra

Phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách sử dụng người tài Lịch sử và vấn đề đặt ra
Thêm cơ hội thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.

Thêm cơ hội thu hút đầu tư
Return to top