|
Dệt may là một trong những lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư |
Thế và lực mới
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Nhìn vào định hướng ấy phần nào thấy được những cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nói chung và hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nói riêng.
Thực tế, ngay khi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị có hiệu lực, định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến trong phát triển KT-XH, cũng như hoạt động thu hút đầu tư.
Theo đó, chất lượng hoạt động thu hút đầu tư tăng đều qua các năm. Số lượng các dự án đầu tư được cấp mới ổn định, từ 28 dự án năm 2021 lên 34 dự án trong 10 tháng đầu năm 2024. Tổng nguồn vốn kêu gọi cũng tăng từ 3.700 tỷ đồng năm 2021 lên 6.123 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2024. Sự gia tăng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng là điểm đáng ghi nhận, từ 3 dự án năm 2021, trong 10 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã thu hút hút 13 dự án. Điều đó phần nào chứng tỏ khả năng hội nhập quốc tế và sức hấp dẫn của Thừa Thiên Huế đối với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Việc thu hút ngày càng đông các NĐT trong và ngoài nước sẽ giúp địa phương tiếp cận với các nguồn lực bên ngoài, như: Vốn, công nghệ, nhân lực, trình độ quản lý… Từ đó có thêm nguồn lực phát triển toàn diện, thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung, tạo động lực phát triển cho toàn vùng và đất nước.
|
Khu đô thị mới An Vân Dương ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khu đô thị |
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc trở thành thành phố Trung ương sẽ tạo điều kiện nâng cao vị trí đối ngoại của địa phương trên trường quốc tế. Đây là cơ hội thuận lợi để Thừa Thiên Huế triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương tại nước ngoài; mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế. Tăng cường khai thác các dự án hợp tác kinh tế song phương và đa phương, tạo kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH. Từ đó, Thừa Thiên Huế sẽ có những cơ hội lớn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các NĐT nước ngoài, thu hút được dòng vốn FDI bền vững.
Khai thác tốt dư địa
Thừa Thiên Huế đang có nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Điểm nhấn là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, hạ tầng các khu chức năng được đầu tư tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Việc chuẩn bị sẵn quỹ đất, nhất là quỹ đất sạch, thu hút NĐT về hạ tầng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo tiền đề cho các NĐT nghiên cứu thực hiện dự án. Hiện, Thừa Thiên Huế đã quy hoạch phát triển 2 khu kinh tế, diện tích khoảng 37.292ha và 6 khu công nghiệp diện tích khoảng 2.393ha. Diện tích đất sạch tại các khu công nghiệp sẵn sàng kêu gọi các NĐT vào khoảng 360ha, ưu tiên thu hút những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ…
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; các chính sách hỗ trợ hạ tầng và đất đai, thuế…
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp cho hay, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế tập trung thu hút đầu tư vào 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Cụ thể, phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Nâng cao hiệu quả khai thác Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế, các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Trong đó, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được xem là động lực phát triển trong những năm tới. Tỉnh sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại đây với tổng số vốn các dự án này lên đến 59.620 tỷ đồng. Có thể điểm tên như: Khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm) quy mô 1.000ha, tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu), quy mô 420ha, vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 2) quy mô hơn 43ha, vốn đầu tư 1.290 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 4) quy mô 71ha, vốn đầu tư 2.130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các dự án Khu du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An rộng gần 20ha, với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Bãi Cả 120ha, với quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng… cũng sẽ được ưu tiên thu hút.
Để đón đầu cơ hội, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc và thích ứng. Tập trung xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, cập nhật thông tin về các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư và định kỳ 6 tháng tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án, loại bỏ những dự án đã có NĐT hoặc chưa nằm trong quy hoạch được duyệt để có cơ sở kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung hỗ trợ thủ tục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm cấp phép đầu tư cho nhóm dự án đang ở giai đoạn triển khai thủ tục; đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động.