Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn tại buổi làm việc với tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Thừa Thiên Huế
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 349 nghìn ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp (trong đó, diện tích đất có rừng trên 311 nghìn ha). Để đảm bảo tốt cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là chủ động ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra cháy rừng từ hoạt động khai thác rừng trồng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định 6 vùng trọng điểm về cháy rừng trên địa bàn tỉnh để tập trung chỉ đạo; Ban chỉ đạo các cấp cũng đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2019 với phương châm “4 tại chỗ, 5 sẵn sàng”.
Tuy vậy, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn xảy ra hàng chục vụ cháy, với diện tích bị cháy gần 119 ha; trong đó, có 20 vụ cháy rừng trồng kinh tế (trồng thông và keo). Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng 6/2019, do thời tiết nắng nóng gay gắt nên đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng lớn tại 4 phường/xã thuộc thị xã Hương Thủy và Hương Trà, với tổng diện tích thiệt hại khoảng 82 ha.
Sau khi xảy ra các vụ cháy, Ban chỉ đạo tỉnh đã huy động hơn 1.600 người tham gia, gồm tất cả các lực lượng cùng phương tiện các loại để tổ chức cứu chữa, dập tắt các vụ cháy rừng, đến ngày 29/6 các vụ cháy đã dập tắt hoàn toàn. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, trong số các vụ cháy rừng, đã xác định được nguyên nhân 23 vụ (trong đó có 17 vụ do xử lý thực bì thiếu kiểm soát, 2 vụ sơ ý sử dụng lửa và đạn lân tinh tự phát nổ do điều kiện nắng nóng, 4 vụ do người dân đốt hương vàng mã), còn 4 vụ đang xác định nguyên nhân.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến các ngành chức năng của tỉnh về nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng và những khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cho biết do tình hình nắng nóng kéo dài nên đã xảy nhiều vụ cháy rừng không riêng chỉ ở Thừa Thiên Huế mà ở nhiều nơi tại khu vực miền Trung.
Từ kết quả báo cáo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt là đã nhanh chóng dập tắt được 3 vụ cháy rừng lớn vào cuối tháng 6/2019 không để cháy lan ra diện rộng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Thừa Thiên Huế
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, thời gian tới vẫn còn cao điểm của mùa khô hạn, nên tỉnh cần bám sát 5 các giải pháp chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo và cương quyết không để xảy ra cháy rừng, nhất là đối với các khu rừng có các công trình trọng điểm quốc gia (đường dây 500kv); phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và phải chấm dứt hẳn việc dùng lửa để xử lý thực bì đối với rừng trồng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, tỉnh cần phát huy tốt vai trò của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là người chỉ huy, bởi nếu chỉ huy không tốt thì sự phối hợp cũng sẽ không tốt; về lâu dài, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần phải có phương án bài bản, trong đó phải có dự án đầu tư trung hạn cho công tác này.
Hiện nay, không chỉ Thừa Thiên Huế mà ở các tỉnh có diện tích rừng cũng đang căng mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải chuẩn bị công tác phòng chống mưa lũ và phương án xử lý hình thái thời tiết bất thường như sau nắng nóng là có mưa đá, lốc xoáy, nhất là mưa lũ bất thường gây sạt lở đất đá; đối với diện tích rừng bị cháy cần có giải pháp để phục hồi rừng và xây dựng kế hoạch trồng lại đối với những diện tích không thể phục hồi được nhằm đảm bảo cho công tác quản lý rừng sau này.
Trước đó, vào buổi sáng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ đã đi kiểm tra hiện trạng các vụ cháy rừng vừa xảy ra ở thị xã Hương Thủy nơi có tuyến đường điện 500kv đi qua và vụ cháy rừng thông sát khu dân cư và khu di lịch sinh thái tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.
Tin, ảnh: P. Thành