Trời nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Và không còn nguy cơ nữa mà nó đã diễn ra ở Hương Thủy. Theo thông tin, hơn 30ha rừng 40 tuổi đã bị thiệt hại.
Trước tiên, có lẽ cũng cần chia sẻ với những áp lực của ngành kiểm lâm trong bảo vệ rừng. Hết chống chặt phá rừng rồi xoay qua phòng chống cháy rừng. Tất cả, đều trong nằm trong trạng thái rình rập. Rừng thì mênh mông, còn lực lượng kiểm lâm thì mỏng.
Nhìn một cách tổng quát, có quá nhiều áp lực tác động đến rừng. Rừng đưa lại một nguồn lợi thiên nhiên khá lớn. Bây giờ thì cạn kiệt nhiều rồi. Trước đây, người ta vào rừng để kiếm cái ăn, không ít người dựa vào rừng để làm giàu. Và có không ít người lấy của rừng về để làm sang ( gỗ rừng, lũa rừng, lan rừng, đá rừng, cây rừng…). Không biết có đất nước nào như đất nước chúng ta, rừng chịu nhiều áp lực đến vậy !
Diễn tập phòng chống cháy rừng nhằm hạn chế thiệt hại khi sự cố này xảy ra. Trong ảnh, diễn tập phòng chống cháy rừng ở Phú Lộc
Bây giờ tình trạng khai thác “gỗ lậu” ( gọi chính danh là khai thác trái phép) hạn chế rất nhiều. Mà nói đúng hơn, là rừng đã nghèo kiệt làm cho nhiều người trước đây chuyên khai thác gỗ trái phép đã chuyển nghề. Rừng cho ra gỗ nhưng tìm gỗ từ rừng rất khó. Các loại gỗ tốt (nhóm 1 nhóm 2) hầu như cạn kiệt. Giá thị trường hiện tại một khối gỗ kiền (chẳng hạn gỗ kiền Nam Đông) lên đến hơn 40 triệu, mà không dễ gì tìm mua được, đã cho thấy điều đó.
Con người chúng ta phá rừng quá nhiều. Và hậu quả không ai khác là con người chúng ta phải gánh chịu. Biến đổi khí hậu là điều nhìn thấy rõ, nó không còn là chuyện mơ hồ nữa. Thời tiết trở nên cực đoan, mưa thì mưa lắm, nắng thì “cháy da cháy thịt”. Có lẽ trong đợt nắng nóng kéo dài thời gian qua và đang còn tiếp diễn, rất ít người trong chúng ta không một lần than “nóng quá” !
Rừng, là một trong những yếu tố tạo ra môi trường sống tốt cho con người: giữ nước, điều hòa khí hậu, thải oxy,, làm đẹp cảnh quang… Tất cả những điều này được phân chia bình đẳng trước mọi người. Thế nhưng khi rừng bị tổn thương, có thể người chịu nhiều thiệt thòi nhất là người nghèo, người ở vùng nông thôn. Ví dụ như trời quá nóng, người giàu có thể ngồi trong điều hòa nhưng người nghèo thì làm gì có. Lũ lụt và hạn hán có thể làm thiệt hại cho nông nghiệp, tức là tác động đến khu vực nông thôn chứ những người thành thị dẫu có cũng bị tác động ít hơn… Vậy là rừng vô tình là tác nhân tạo ra sự bất bình đẳng !? Nếu những vấn đề như thế để nói rằng, nếu chúng ta không giữ được rừng thì chẳng những ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu… mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội, như chuyện bất bình đẳng vừa nêu.
Trở lại vấn đề cháy rừng. Với những cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong tương lai, không hy vọng gì thời tiết, khí hậu thuận hòa. Thời tiết nắng nóng cực đoan là chuyện có thể diễn ra hàng năm. Nghĩa là rừng luôn luôn nằm trong tình trạng cảnh báo cháy. Điều đáng lo lắng là vụ cháy rừng vừa rồi ở Hương Thủy cho thấy công tác phòng chống cháy rừng kém hiệu quả. Thông là một loài rất dễ bắt lửa. Thế nhưng nhóm thực bì ở dưới rừng thông ít được dọn dẹp, để quá dày. Mà dọn dẹp thì liên quan đến kinh phí, nguồn nhân lực. Nó như một vòng luẩn quẩn. Trong phòng cháy đã vậy, trong chống cháy thì chúng ta thấy bằng những phương tiện khá thô sơ, không chủ động nên huy động không thể nhanh được. Hiện nay rừng sở hữu của người dân rất nhiều, mà người dân trồng rừng hầu như ít quan tâm và ít có điều kiện chống cháy rừng hiệu quả.
Chắc chắn ngành lâm nghiệp không thiếu những giải pháp đã đề ra trong phòng chống cháy rừng. Nhưng rừng vẫn cháy. Mà cháy thường là gây thiệt hại lớn. Bở vậy, ngành lâm nghiệp cần soát xét lại những giải pháp. Có lẽ, những rừng thông là một trọng điểm trong chống cháy mùa hè.
Thanh Lê