ClockThứ Sáu, 30/10/2020 17:36

Tiếp tục hỗ trợ người dân sau mưa bão

TTH.VN - Trong ngày 30/10, những hỗ trợ tiếp tục được các tổ chức, cá nhân trao gửi đến người dân gặp khó khăn do mưa bão gây ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 9Tập trung khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống người dânNhiều địa phương, đơn vị hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh khắc phục hậu quả thiệt hại do bãoBí thư Tỉnh ủy - Lê Trường Lưu, tiếp và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt NamNhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bão, lũ

Các lực lượng hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà

Đến trưa 30/10, đại diện UBND huyện A Lưới cho biết đã khắc phục hơn 1.100 nhà tốc mái, hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 9.

Mưa bão đã khiến 7 nhà bị sập, một số công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng và 1.691 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; nhiều thiệt hại về nông nghiệp, trong đó có 422,2ha keo, 11,5ha cao su bị gãy đổ…

Sau khi bão đi qua, các ban, ngành chức năng huyện A Lưới cùng các xã, thị trấn huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân, đồng thời khôi phục giao thông và hệ thống viễn thông.

*Trong ngày 30/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm trao tặng 1.600 suất quà hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa bão.

Tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng do mưa bão

Đợt này, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới cùng các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trao 950 suất quà (mỗi suất 350 nghìn đồng) của Huyện đoàn Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho người dân các xã: Hương Nguyên, Hồng Hạ, A Ngo, Sơn Thủy; 500 suất quà (mỗi suất 500 nghìn đồng) của Tập đoàn Anh Group cho người dân xã A Roàng và Lâm Đớt; 150 suất quà (700 nghìn đồng/suất) của Cộng đồng nhảy múa ở Miền Nam cho người dân xã Quảng Nhâm và Hồng Thái.

* Khi nhận tin Đại đức Thích Đại Hiếu sẽ vào Thừa Thiên Huế trao quà, chị Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã kết nối trao quà cho người dân gặp khó khăn ở huyện Phú Vang.

Những phần quà đến tay người nghèo

Theo đó, Hội Bảo vệ  Quyền trẻ em tỉnh, cùng Hội LHPN Phú Vang đã trao 300 suất quà đến các gia đình có trẻ em và người già cô đơn có hoàn cảnh khó khăn.

Đó là những phần quà do Thượng toạ Thích Thanh Huân - Ủy viên thường trực HĐTS, Phó Văn phòng Trung ương GHPGVN, trụ trì chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và Đại đức Thích Quảng Hiếu - Bản tự chùa Tân Hải (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào gặp khó khăn vùng bão lũ. Mỗi phần trị giá hơn 700.000 đồng, bao gồm các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu gửi tặng bà con vùng lũ các xã: Vinh Hà, Phú Gia và Phú Lương.         

* Ngày 30/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Vang trao 2 tấn gạo do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ đến các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do lũ lụt trên địa bàn huyện.

Kết nối mạnh thường quân trao quà cho các hộ khó khăn bị ảnh hưởng lũ lụt

Bà Ngô Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Vang cho biết: Trước đó, ngày 29/10, Hội LHPN huyện đã kết nối các mạnh thường quân và trao 300 suất quà trị giá 90 triệu đồng cho các hộ vùng xung yếu bị ngập nặng; trao 29 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các hoàn cảnh già cả, neo đơn, bệnh tật khó khăn tại hai xã vùng trũng Phú Dương, Phú Mậu. Đồng thời, trao 90 suất quà do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ với tổng trị giá 54 triệu đồng.

“Chúng tôi rà soát kỹ từ cơ sở để trao sự hỗ trợ, sẻ chia của các mạnh thường quân đến tận tay các hộ bị ảnh hưởng lũ lụt, thực sự khó khăn, cần giúp đỡ…”, bà Ngô Thị Lệ Thu nói.

Cùng ngày, Xã đoàn Phú Mậu (Phú Vang) kết nối mạnh thường quân, trao tận tay 15 suất quà, mỗi suất 400 nghìn đồng tiền mặt và các loại rau củ quả cho 15 hộ khó khăn, bệnh tật bị ảnh hưởng lũ lụt tại thôn Tiên Nộn.

Trước đó, ngày 29/10, Hội LHPN huyện đã kết nối các mạnh thường quân và trao 300 suất quà trị giá 90 triệu đồng cho các hộ vùng xung yếu bị ngập nặng.

* Ngày 30/10, Hội đồng hương huyện Phú Lộc và Hội đồng hương huyện Phong Điền tại TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Huyện đoàn Phú Lộc trao 500 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng tiền mặt cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lụt vừa qua.

Tặng quà cho người dân huyện Phú Lộc bị ảnh hưởng bão lụt

Tổng giá trị các phần quà là 250 triệu đồng do các nhà hảo tâm, doanh nghiệp huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền tại TP. Hồ Chí Minh quyên góp. Sau khi trao cho người dân huyện Phú Lộc, đoàn sẽ tiếp tục tổ chức trao tặng cho người dân huyện Phong Điền.

Anh Hoàng Trần Quốc Phú, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc cho biết, đây là lần thứ 2 trong đợt bão lụt này Hội đồng hương Phú Lộc tại TP. Hồ Chí Minh trao quà cho người dân trên địa bàn huyện. Trước đó, đoàn trao 500 suất, mỗi suất 250 ngàn đồng, cho người dân bị ảnh hưởng nặng do bão lũ tại 3 xã Lộc An, Lộc Điền và Vinh Hưng.

* Trong khi đó, các địa phương đang nỗ lực khắc phục khẩn cấp thiệt hại sau bão, lũ nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Kênh mương, đồng ruộng ở Quảng Thọ bị bồi lấp

Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ thông tin, sau khi bão đi qua, nước lũ rút, xã yêu cầu các thôn triển khai huy động Nhân dân khôi phục nhà cửa. Các hợp tác xã (HTX) triển khai kiểm tra hệ thống thủy lợi, đánh giá mức độ hư hỏng. Khảo sát bước đầu cho thấy, nhiều công trình kênh mương, đê bao trên địa bàn đều bị xuống cấp, sạt lở, nứt vỡ và bồi lấp do ngập lũ kéo dài...

Trước mắt, địa phương và các HTX tự trích kinh phí dự phòng ứng phó thiên tai để khắc phục, nạo vét kênh mương, sửa chữa, gia cố đê bao nội đồng bị hư hỏng nhẹ. Các công trình sạt lở nặng chỉ gia cố tạm thời để kịp sản xuất vụ đông và đông - xuân. Lâu dài, địa phương rà soát, lập phương án kiên cố hóa các công trình; đồng thời kiến nghị cấp trên đầu tư kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình lớn bị hư hỏng nặng do bão, lũ.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền đánh giá, nhiều năm trở lại đây, chưa năm nào huyện Quảng Điền bị thiệt hại nặng nề như các đợt bão, lũ vừa qua. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng nặng. Hơn 210ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp nghiêm trọng, hàng trăm ha thủy sản, hoa màu, nấm, gia súc, gia cầm bị thiệt hại lớn. Hơn 400 tấn lúa của người dân và các hợp tác xã bị ngập nước, thiệt hại gần như hoàn toàn.

Lúa của hộ ông Phạm Đồng ở Xuân Tùy, Quảng Phú (Quảng Điền) bị ướt, nảy mầm

Các địa phương đang tiếp tục cấp phát nguồn lương thực, thực phẩm cứu trợ của tỉnh, huyện và các tổ chức, nhà hảo tâm cho Nhân dân vùng ngập lũ, bị thiệt hại. Ngoài nguồn của tỉnh, các địa phương còn tiếp nhận và cấp phát cho người dân gần 21 ngàn suất quà của các tổ chức, cá nhân hảo tâm với trị giá gần 9,5 tỷ đồng. Đến ngày 30/10, trên địa bàn huyện chưa phát hiện có hộ nào thiếu lương thực do bão, lũ; gần 100% hộ gia đình đã dọn dẹp vệ sinh, môi trường cơ bản hoàn thành, ổn định cuộc sống. 

Nhiều ngôi trường đã khắc phục hư hỏng, vệ sinh trường lớp, đảm bảo các điều kiện an toàn. Đến ngày 30/10, khối mầm non có 13/16 trường đã đi học trở lại; khối tiểu học có 14/18 trường đã tổ chức dạy học; khối trung học cơ sở có 11/11 trường và toàn bộ khối trung học phổ thông đã dạy học trở lại. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng đang được khắc phục, gia cố tạm thời, đảm bảo giao thông đi lại của người dân. Hệ thống điện đã được khắc phục, đến nay 100% xã, thị trấn đã có điện sinh hoạt, sản xuất. Các công trình đê bao, kênh mương thủy lợi đang được các hợp tác xã, người dân gia cố tạm thời phục vụ sản xuất vụ đông và đông xuân sắp đến.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Phan Thanh Hùng cho rằng, bão số 9 không gây thiệt hại lớn về người (không có người chết, 14 người bị thương), nhưng gây thiệt hại khá lớn đến sản xuất cây trồng, các công trình, hệ thống điện, thông tin liên lạc... Ngay sau khi bão đi qua, các địa phương tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả.

Đến chiều 30/10, toàn bộ gần 1.000 ngôi nhà tốc mái trên địa bàn tỉnh được lợp lại; gần 100% hộ được cấp điện, nước sinh hoạt, sớm ổn định cuộc sống. Nhiều tuyến đường giao thông hư hỏng được khắc phục tạm thời phục vụ đi lại. Nhiều trường học tốc mái được lợp, sớm cho học sinh đi học trở lại. Các địa phương, hợp tác xã tự trích kinh phí tổ chức sửa chữa hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi.

Người dân Nam Đông, A Lưới tiến hành khắc phục, chống đỡ cây cao su đổ ngã và thu dọn cây bị gãy. Các lực lượng vũ trang cũng đã phối hợp với địa phương huy động hàng ngàn chiến sỹ, người dân cùng với thiết bị máy móc, vật liệu như rọ đá, đá hộc, vải lọc, xử lý khẩn cấp chống xói lở bờ biển...

Tin, ảnh: Hữu Phúc - Xuân Hồng - Quỳnh Anh - Hải Thuận - Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

TIN MỚI

Return to top