ClockChủ Nhật, 15/05/2016 18:28

Tiếp tục vươn khơi

TTH - Sau khi có chủ trương cấp giấy chứng nhận an toàn, được các siêu thị thu mua hải sản đã tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Từ đầu tháng 5 đến nay, toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đồng loạt vươn khơi. Mỗi chuyến biển đều kéo dài từ một tuần đến vài tuần. Giá hải sản tuy có giảm nhưng hầu như tàu nào cũng có lãi.

Lãi 100 triệu đồng/chuyến

Về cảng Thuận An, hay các âu thuyền Phú Thuận, Phú Hải những ngày này không còn cảnh tàu thuyền công suất lớn nằm bờ, trừ các phương tiện vừa cập bến sau chuyến vươn khơi, chờ tiếp nhiên liệu, thực phẩm để tiếp tục hành trình mới. Các tàu trở về đều chở đầy ắp cá. Các chủ tàu dịch vụ thu mua hải sản cũng tỏ ra phấn khởi khi ngư dân vẫn bám ngư trường.

Trúng mẻ cá lớn

Mấy ngày đầu xảy ra hiện tượng cá biển chết, hải sản không tiêu thụ được, nhiều tàu thuyền ở Thuận An cũng như các xã vùng biển đều nằm bờ, riêng tàu đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của ông Phan Văn Chinh (thị trấn Thuận An, Phú Vang) và một số chủ tàu khác vẫn không ngày nào ngừng hoạt động. Ông Chinh nghĩ rằng, nguồn hải sản đánh bắt không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà xuất bán tại nhiều tỉnh, thành khác và chế biến xuất khẩu. Đó chính là điều kiện, động cơ thôi thúc ngư dân này quyết định vươn khơi, dù người dân trên địa bàn tỉnh hạn chế ăn cá, giá hải sản giảm. “Các chuyến biển vừa qua đều thu về sản lượng khá, giá hải sản tuy giảm khoảng 30% so với trước nhưng cũng có lãi, đảm bảo chi trả công cho bạn thuyền và trả nợ ngân hàng”, ông Chinh chia sẻ.

Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An - Hoàng Phước nói: Quyết tâm không để tàu nào nằm bờ, ảnh hưởng lớn đến đời sống ngư dân là chủ trương của chính quyền địa phương. Thông qua các phương tiện thông tin và trực tiếp đến từng hộ gia đình, chúng tôi kêu gọi, vận động ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển. Điều rất đáng mừng là ý thức của ngư dân ngày càng cao. Họ không thể khoanh tay đứng nhìn khối tài sản lớn (tàu thuyền) “trùm chăn”, trong khi đời sống của bạn thuyền sẽ như thế nào nếu tàu không hoạt động. Qua kiểm tra, báo cáo của ngư dân, hầu hết các chuyến đánh bắt xa bờ gần đây, tàu nào cũng thu được từ 5 tấn đến cả chục tấn cá, lãi trên dưới 100 triệu đồng/chuyến.

Động lực vươn khơi

Để giúp ngư dân vượt qua khó khăn ngày 1/5, lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn và tổ chức tiêu thụ cá sạch tại các chợ lớn trên địa bàn tỉnh. Qua lấy mẫu cá, quan trắc môi trường nguồn nước biển, cơ quan chức năng khẳng định hải sản được đánh bắt từ 20 hải lý trở ra sử dụng an toàn. Các cơ quan chức năng theo dõi tàu cá khai thác trên các vùng biển xa thông qua hệ thống định vị, từ đó cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn ngay khi tàu cập cảng. Tại buổi làm việc với tỉnh mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đánh giá, đây là ý tưởng tốt, có hiệu quả của lãnh đạo tỉnh, tạo điều kiện giúp dân yên tâm sử dụng nguồn hải sản đánh bắt xa bờ.

Được mùa

Lãnh đạo tỉnh hỗ trợ kịp thời cho các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, ban ngành chức năng tổ chức thu mua toàn bộ hải sản, đánh bắt xa lưới. Các siêu thị đã có sự đồng cảm, sẻ chia khó khăn, tổ chức thu mua hải sản của ngư dân. Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Huế Lê Thanh Tú cam kết, nếu hải sản của ngư dân không tiêu thụ hết, số còn lại sẽ được siêu thị thu mua. Hải sản sau khi mua về được các siêu thị đông lạnh, phân phối hầu hết các hệ thống siêu thị trên cả nước và chế biến xuất khẩu. Số ít hải sản được các siêu thị tổ chức bán tại địa phương và những ngày qua được người dân tiêu thụ rất mạnh.

Ngay sau khi có chủ trương cấp giấy chứng nhận an toàn, được các siêu thị thu mua hải sản đã tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Từ ngày 1/5 đến nay, toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đồng loạt vươn khơi. Mỗi chuyến biển đều kéo dài từ một tuần đến vài tuần. Giá hải sản tuy có giảm nhưng hầu như tàu nào cũng có lãi. Chủ tàu Trần Văn Chiến ở Thuận An cho biết, do tâm lý vẫn còn e ngại nên hải sản tiêu thụ trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa mạnh. Vì vậy, ngoài được các siêu thị thu mua, hải sản còn bán cho tàu dịch vụ ở Đà Nẵng, hoặc các chủ tàu dịch vụ của Thừa Thiên Huế thu mua, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Ngư dân chúng tôi mong rằng, cấp trên có biện pháp ổn định giá hải sản nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng để yên tâm bám biển, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, với quyết tâm làm giàu từ biển, nhiều ngư dân tự bỏ kinh phí đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên. Chỉ tính trong vòng một năm rưỡi kể từ khi Nghị định 67 ra đời, số tàu xa bờ trên địa bàn tỉnh tăng thêm 60 chiếc; riêng tàu có công suất 400 CV trở lên từ 38 chiếc tăng lên 92 chiếc. Trên địa bàn tỉnh hình thành đội tàu làm dịch vụ hậu cần hơn 20 chiếc, chuyên thu mua hải sản trên biển đã có cơ hội làm giàu.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn

Trong khuôn khổ Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” (KVPVP), sáng 7/10, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đối với cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên, tuyên truyền viên tuyến xã.

Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn
Return to top