11,88 tỷ kWh điện, tương đương 17.808 tỷ đồng là con số mà cả nước đã tiết kiệm được từ năm 2011 đến 2015, kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả cũng như triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.
Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước trong việc tiết kiệm điện là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 7/8/2017 (Chỉ thị 34) đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện.
Chỉ thị 34 cũng đã ghi rõ những yêu cầu, giải pháp cụ thể đối với những đối tượng cụ thể, bao gồm các cơ quan, công sở; chiếu sáng công cộng; các hộ dùng điện sinh hoạt và cơ sở kinh doanh dịch vụ, các doanh nghiệp sản xuất. Tiêu chí chung nhất được đặt ra ở đây là khuyến khích sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao và được dán nhãn năng lượng; triển khai các giải pháp công nghệ để tiết kiệm điện, khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo...
Phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện ít nhất bằng 1% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm so với năm trước đó là yêu cầu cụ thể khác đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định của TTCP. Điều cần lưu ý đối với các cơ quan, công sở là sẽ đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.
Có thể khối lượng chưa phải là lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, song việc thực thi yêu cầu này bên cạnh việc góp phần vào mục tiêu được đặt ra, còn có một ý nghĩa quan trọng hơn là nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong sử dụng điện năng. Đây cũng là điểm yếu ở bộ máy hành chính mà chỉ cần thiếu kiểm tra, giám sát sẽ dẫn đến lãng phí theo cấp số cộng và lũy tiến của nó vì lâu nay, việc làm này chưa ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi cán bộ, công chức, cho dù việc làm này không đòi hỏi nhiều công sức, không tiêu tốn nhiều thời gian của mỗi cá thể.
Nguyễn An Lê