ClockThứ Hai, 09/08/2021 14:35

Tòa nhà Quốc hội mới của Lào - Biểu tượng của quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào

Ngày 10/8, Việt Nam sẽ chính thức bàn giao cho Lào công trình Tòa nhà Quốc hội mới, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN Việt Nam tại Lào về ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình được coi là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức CHDCND LàoQuan hệ hữu nghị vĩ đại: Tài sản chung vô giá của hai dân tộc Việt-LàoHành trình 30 năm trên nước bạn LàoViệt Nam, Lào bàn về Biển Đông và nguồn nước MekongTổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào thăm hữu nghị chính thức Việt NamNgười dân Lào ủng hộ nỗ lực chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam

Tòa nhà Quốc hội mới của Lào. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Tòa nhà Quốc hội mới đã được sử dụng để tổ chức Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX của Lào. Chủ tịch đánh giá thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của Tòa nhà Quốc hội mới, cũng như  tình cảm đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào?

Như chúng ta đã biết, Lào - Việt Nam là hai nước anh em, có núi liền núi, sông liền sông trải dài từ Bắc tới Nam. Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu, những người đã gây dựng, dày công vun đắp và được các thế hệ lãnh đạo, chiến sỹ cách mạng, nhân dân hai nước không ngừng giữ gìn, phát huy; đã được thử thách qua nhiều thập kỷ qua, cả trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Chúng tôi luôn nhận thức rằng, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đều luôn quan tâm, dành những sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, quý giá, kịp thời và hiệu quả đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Đặc biệt, mặc dù Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trên tinh thần đồng chí, anh em thân thiết, Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí để giúp đỡ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới với giá trị gần 112 triệu USD. Được khởi công từ tháng 7/2018, công trình này là dự án có giá trị cao nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.

Việc triển khai dự án có ý nghĩa quan trọng, mặc dù trong bối cảnh hai nước đang phải đối mặt với sự bùng phát của dịch COVID-19 nhưng với sự quan tâm của cả hai bên, dự án đã kịp thời được đưa vào sử dụng tổ chức hiệu quả Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Lào khóa IX trong tháng 3 vừa qua. Đây là một trong những biểu tượng hiếm có trong mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước anh em chúng ta.

Dự án xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới của Lào là công trình đặc biệt được thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt. Chủ tịch đánh giá như thế nào về nỗ lực và sự phối hợp giữa hai bên trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân trên công trường trong tình hình dịch COVID-19?

Như đã biết, Tòa nhà Quốc hội mới của Lào được xây dựng trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, Lào và Việt Nam cũng không thể tránh được ảnh hưởng của đại dịch trên. Để phòng chống dịch bệnh, hai nước đã triển khai nghiêm ngặt các chính sách, biện pháp phòng chống, ngăn ngừa và giải quyết dịch bệnh, điều này đã tác động trực tiếp đến việc triển khai dự án; tuy nhiên, nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, cần thiết của dự án và với sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước cùng với tinh thần đoàn kết gắn bó, nghĩa tình thủy chung son sắc giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em, dự án xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới được triển khai liên tục nhờ việc áp dụng cơ chế đặc biệt đi đôi với tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo cho dự án có thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra trong từng giai đoạn.

Ban Chỉ đạo, quản lý dự án hai bên đã phối hợp chặt chẽ, nhất trí, thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan. Hai bên cùng phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn, tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt cho việc triển khai dự án như việc cung ứng, vận chuyển vật liệu xây dựng, nhập cảnh lao động tay nghề, theo dõi, kiểm tra sát dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, quan tâm vấn đề y tế, xét nghiệm COVID-19, tiêm phòng vaccine, tổ chức các hoạt động dịch vụ, quản lý trong dự án; định kỳ tổ chức hội nghị báo cáo tình hình triển khai để đảm bảo sự thông suốt, đúng tiến độ cho dự án, đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật vừa là biểu tượng cho cơ quan đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Lào, vừa là biểu tượng của tình đoàn kết trong sáng, là di sản quý báu của hai dân tộc Lào - Việt Nam truyền lại cho thế hệ mai sau.

Thành công của việc xây dựng Tòa nhà Quốc hội Lào mới là nhờ tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo dự án các cấp cho đến toàn thể cán bộ, chuyên gia và công nhân đã đóng góp công sức, trí tuệ, chuyên môn của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, không quản ngày đêm, mệt nhọc, tích cực triển khai dự án. Bản thân tôi đánh giá cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ nêu trên, đặc biệt là về tay nghề cao của đội ngũ thợ xây dựng và thợ thủ công trên công trình, đảm bảo xây dựng công trình theo đúng thiết kế, là biểu tượng mang đặc trưng của văn hóa Lào.

Với tình cảm đặc biệt, tinh thần, trách nhiệm và sự tận tụy trong thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, tập thể cán bộ, công chức Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới của Lào, là nơi làm việc của cơ quan lập pháp, cơ quan đại biểu nhân dân, một địa điểm quan trọng cấp quốc gia và quốc tế. Chủ tịch đánh giá, nhận xét thế nào về chất lượng kỹ thuật và kiến trúc của công trình, có phản ánh được ý nghĩa, thể hiện được bản sắc của văn hóa Lào hay không?

Tôi cho rằng Tòa nhà Quốc hội mới rất trang nhã, nguy nga, có chất lượng mỹ thuật, kiến trúc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại trong thiết kế và xây dựng, có vẻ đẹp với kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Lào. Có thể nói, Tòa nhà Quốc hội Lào mới là nơi có cơ sở vật chất hiện đại nhất để các đại biểu Quốc hội và toàn thể cán bộ, nhân viên Quốc hội Lào thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, tiến hành các kỳ họp định kỳ của Quốc hội, tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Tòa nhà Quốc hội mới cũng sẽ là nơi để giáo dục người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Lào học tập, tìm hiểu về hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp đại diện cho quyền và lợi ích của mình, cũng như là nơi để tìm hiểu về truyền thống tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Tòa nhà Quốc hội sẽ góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình trong các hoạt động nội bộ cũng như các hoạt động trên trường khu vực và thế giới.

Cuối cùng, xin chúc mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Lào - Việt Nam mãi bền chặt.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Tin tức TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Ngày 4/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia...

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top