Vài ngày nữa, TP. Huế sẽ ra quân lập lại trật tự đô thị và công cộng. Dù đi sau một số thành phố khác trong cả nước, song Huế xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và với cách làm linh động nhưng phải mang hiệu quả cao. Ông Châu Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban chỉ đạo ra quân lập lại trật tự đô thị, công cộng TP. Huế đã chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về những kế hoạch, phương án trước ngày ra quân.
Ông Châu Văn Lộc
Thưa ông, kế hoạch ra quân lập lại trật tự đô thị lần này có khác gì so với những lần trước?
Đợt này chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo các kế hoạch, phương án triển khai để đồng loạt ra quân vào ngày 3/4/2017, sau đó sẽ họp đánh giá sơ kết đợt 1, rút kinh nghiệm cho đợt kế tiếp.
Nghĩa là sẽ có nhiều đợt ra quân, chứ không như một số lần trước đây ra quân một lần rồi thôi khiến kết quả đôi lúc rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”?
Năm nay, chúng tôi ra quân toàn thành phố tổng cộng 4 đợt, từ đầu tháng 4 cho tới cuối năm 2017. Trước đó, một số phường và Đội quản lý đô thị TP. Huế cũng có khá nhiều đợt ra quân triển khai lập lại trật tự vỉa hè nhưng ra quân đồng loạt thì đây là lần đầu tiên.
Tại sao lại chọn thời điểm này mà không sớm hơn, trong khi một số thành phố khác đã triển khai khá lâu?
TP. Huế xác định quản lý trật tự đô thị và trật tự công cộng là việc làm thường xuyên và lâu dài, chứ không phải ngày một ngày hai, làm một đợt xong rồi thôi. Dù chưa ra quân chính thức và đồng loạt, song từ đầu năm, Thành ủy Huế đã ban hành Nghị quyết 05 về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giai đoạn 2016-2020”. Các địa phương, cơ quan ban ngành liên quan cũng đã triển khai theo từng đợt, từng địa bàn cụ thể. Mới đây, các phường như Trường An, An Cựu, Thuận Thành đã ra quân lập lại trật tự đô thị trước kế hoạch ra quân của TP. Huế và họ làm khá tốt.
TP. Huế sẽ “mạnh tay” với các trường hợp vi phạm trong các đợt ra quân như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã làm không, thưa ông?
Mỗi địa phương có một cách làm khác nhau. TP. Huế sẽ linh động trong cách xử lý, chứ không nhất thiết phải “cẩu xe, đập bậc vỉa hè, tháo dỡ công trình vi phạm ngay tại chỗ” như một số thành phố khác đã làm.
Nếu thế, không loại trừ khả năng người vi phạm sẽ... không sợ?
Tôi nói không nhất thiết chứ không phải là không làm. Với một số vị trí nhạy cảm, chúng tôi đã chuẩn bị phương án để lực lượng công an ngăn chặn đối tượng chống đối người thi hành công vụ nếu có. Với những địa điểm nếu việc xây dựng lấn chiếm vỉa hè, ngoài phạm vi sở hữu của người dân, cơ quan Nhà nước, chúng tôi sẽ quyết liệt buộc đập phá, tự tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi thấy trên địa bàn hầu như không có công trình Nhà nước nào vi phạm về lộ giới xây dựng, lấn chiếm vỉa hè để xây thêm công trình, bậc cấp…
Trong quá trình ra quân, chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra, rà soát, đo đạc theo các bản đồ địa chính để xác định ranh giới công trình, nếu vi phạm mới xử lý, tránh trường hợp kiện tụng.
Đầu tháng 4, TP. Huế sẽ đồng loạt ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè Ảnh: Đăng Tuyên
Chúng tôi tin rằng, đa số người cho thuê vỉa hè và số đông người kinh doanh trên vỉa hè đều mong muốn đường thông, hè thoáng. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít, nhất là những người từ nơi khác đến lấn chiếm kinh doanh, luôn muốn “bành trướng” hàng hóa ra vỉa hè. Người này nhìn người kia, người này nay lấn một ít, người kia mai lấn một ít thành ra vỉa hè bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh. Nếu chúng ta vận động tốt, mỗi người dân, người kinh doanh chỉ kinh doanh từ phần đất thuộc sở hữu của mình thì chắc chắn tình trạng lấn chiếm sẽ giảm. Tuy thế, chúng tôi cũng sẽ xử lý quyết liệt với những trường hợp cố tình chống đối.
Ông có nhắc đến công an, vai trò của lực lượng này như thế nào trong đợt ra quân sắp tới?
Lần này, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ chỉ đạo quyết liệt từ phía Công an tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh đã có yêu cầu về việc gắn trách nhiệm của công an phường, công an TP. Huế trong đảm bảo trật tự đô thị, công cộng. Nếu phường nào làm không tốt, trưởng công an phường đó sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, chính quyền. Trưởng Công an TP. Huế cũng phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP. Huế. Hơn nữa, trưởng công an phường còn có thể bị xem xét điều chuyển, giáng chức nếu quản lý không tốt vấn đề trật tự đô thị, để xảy ra những điểm nóng về trật tự đô thị…
Trước mắt là vậy, còn về lâu dài thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang giao Phòng Kinh tế nghiên cứu, đề xuất các địa điểm phù hợp để cho thuê hoặc tập hợp đưa người buôn bán ở vỉa hè đến một khu vực, vị trí nào đó để tạo điều kiện cho họ mưu sinh. Song, vấn đề này khá phức tạp và cần tính toán kỹ. Đa phần người kinh doanh, buôn bán nói chung đều mong muốn được kinh doanh ở khu vực đông dân cư, trung tâm thành phố, song quỹ đất hiện nay của thành phố khá hạn hẹp, trong khi một số khu vực xa trung tâm như ở Hương Sơ chẳng hạn, còn khá nhiều vị trí trống. Chợ Hương Sơ cũng vậy nhưng nếu đưa ra đó, chắc chắn nhiều hộ kinh doanh không đồng ý.
Còn phương án cho thuê vỉa hè?
Trước đây, phương án này cũng đã triển khai thí điểm nhưng không thành công do phường không làm tốt chức năng quản lý. Chúng tôi cũng đang cân nhắc nhiều vị trí, địa điểm để có thể tái thực hiện phương án trên nhưng sẽ siết chặt khâu quản lý. Tuy nhiên, hiện mọi phương án đều đang tính toán chứ chưa có phương án cụ thể nào.
Như vậy, sau ra quân xong còn nhiều việc phải làm ?
Như đã nêu, năm nay chúng tôi tập trung ra quân lập lại trật tự vỉa hè và cả trật tự công cộng, nghĩa là chấn chỉnh luôn những trường hợp chèo kéo du khách ở các điểm như bến xe Nguyễn Hoàng, chợ Đông Ba… Mục tiêu là gắn trách nhiệm của công an, chính quyền, địa phương và các đoàn thể trong việc đảm bảo trật tự đô thị và công cộng. Sau ra quân, chúng tôi sẽ giao cho các phường quản lý, phường nào quản lý không tốt sẽ quy trách nhiệm cho các cá nhân, tập thể liên quan. Riêng việc giải quyết việc làm, mưu sinh cho người lao động, kinh doanh trên vỉa hè là câu chuyện dài, cần thời gian để có những quyết sách phù hợp. Trước mắt vẫn là ưu tiên cho việc đường thông, hè thoáng, đô thị ngày càng văn minh, đẹp hơn trong mắt du khách và người dân.
Như việc tháo dỡ hàng rào công viên bờ Bắc sông Hương cũng là vì mục đích vừa nêu?
Tháo dỡ hàng rào là chủ trương có từ năm ngoái của Chủ tịch UBND TP. Huế nhằm “mềm” hóa các công viên. Các hàng rào đã được xây dựng từ khá lâu, đã hết sứ mệnh của nó, do dó, việc tháo dỡ để tạo không gian mở cho các công viên là việc làm được đánh giá cao và tạo hiệu ứng tốt với người dân. Đây cũng là cách làm để đô thị Huế đẹp hơn, xóa bỏ khoảng cách giữa vỉa hè, công viên và bờ sông Hương.
Xin cảm ơn ông!
TÂM HUỆ (Thực hiện)