Học viện Âm nhạc Huế sẽ dừng tuyển sinh hệ trung cấp và cao đẳng
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lý do đề xuất trường đại học dừng tuyển sinh hai bậc học nói trên là do Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 không cho phép các trường đào tạo hai bậc này, mà chỉ được đào tạo từ bậc đại học trở lên.
Về mặt logic hình thức và cách nghĩ thông thường, chúng ta biết trong hệ thống thang bậc giáo dục của Việt Nam có nhiều bậc học từ thấp đến cao, ứng với mỗi bậc học có sự phân cấp cho các bậc trường đào tạo khác nhau. Ví dụ như hai hệ cao đẳng và đại học. Cao đẳng có chức năng đào tạo sinh viên có trình độ cao đẳng thì đúng rồi. Đại học có chức năng đào tạo từ đại học trở lên, cũng phải. Bởi cao đẳng không thể đào tạo đại học. Đại học mà đào tạo cao đẳng nghĩa là giẫm đạp lên chức năng nhiệm vụ của hệ thống trường cao đẳng. Nói cách nghĩ thông thường là vậy. Nhưng thực tế diễn ra ở Việt Nam không phải vậy. Đại học có quyền đào tạo từ cao đẳng trở lên, tức là 4 bậc: cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Điều này đã được luật định. Ở mục 2 của điều 5, Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định mục tiêu cụ thể: “đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ”. Phần quy định đào tạo trình độ cao đẳng như sau: “Đào tạo trình độ cao đẳng để sinh viên có kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng thực hành thành thạo, hiểu biết được tác động của các nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội trong thực tiễn và có khả năng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc ngành được đào tạo”. Tại điều 7 của luật này, quy định về cơ sở giáo dục đại học, vì công nhận bậc học cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học nên cơ sở giáo dục cũng phải công nhận nằm trong hệ thống giáo dục đại học.
Tại Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ban hành ngày 19/11/2018, hệ cao đẳng đã “bị loại” ra khỏi hệ thống giáo dục đại học.
Cái gì cũng có tính lịch sử của nó, tức là ứng với những điều kiện, hoàn cảnh, vào một thời điểm hoặc một giai đoạn cụ thể nào đó. Không biết quy định đại học được đào tạo hệ cao đẳng ứng với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể như thế nào. Cũng có thể lúc đó, hệ cao đẳng chưa kham nổi hết việc đào tạo cao đẳng. Nếu đúng như vậy thì chúng ta hiểu rằng, hệ cao đẳng của Việt Nam bây giờ đã “trưởng thành”. Và “ông anh đại học” phải trả lại đúng chức năng nhiệm vụ cho hệ cao đẳng.
Vấn đề đáng băn khoăn là ở chỗ, luật sửa đổi đã ban hành từ cuối năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, tức là hơn nửa năm sau nhưng không nghe các trường đại học nói năng gì về điều này mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – một đơn vị chức năng của Bộ LĐ – TB & XH lại “lên tiếng” thay!? Rõ ràng, Bộ LĐ –TB & XH sợ các trường đại học “quên” Luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học nên phải nhắc nhở để thực hiện cho đúng luật. Hay là một sự “tiếc nuối” nào đó từ các trường đại học chăng?
Cải cách, sửa đổi là chuyện thường xuyên, bởi không có gì là bất biến. Sửa đổi cũng là sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh. Tức là làm cho nó tốt hơn lên. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, ngành giáo dục của Việt Nam là một trong những ngành có nhiều cải cách nhất. Cải cách nhiều nhưng chưa chắc hiệu quả thu được đã tương ứng. Một chuyện nhỏ thôi, từ bậc trung học phổ thông trở xuống, nhà trường đã không giải quyết được vấn đề kiến thức cho học sinh tại trường nên nảy sinh tràn lan chuyện dạy thêm, học thêm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có quy định cấm nhưng vẫn chưa có giải pháp kiểm soát triệt để nên quy định không đi vào thực tiễn được. Đào tạo ra dư thừa cả hàng trăm ngàn sinh viên nhưng không giải quyết được việc làm hoặc việc làm không tương ứng, làm lãng phí tài nguyên giáo dục…
Muốn giáo dục là quốc sách hàng đầu, có vẻ như còn nhiều việc phải làm. Thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của từng cấp học, bậc học cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Luật Sửa đổi Luật Giáo dục đại học điều chỉnh bậc đào tạo cao đẳng và trung cấp ra khỏi hệ thống giáo dục đại học là một bước điều chỉnh cho khỏi giẫm đạp chức năng, nhiệm vụ.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: MINH HIỀN