ClockThứ Ba, 17/09/2024 10:34

Năm tuyển sinh hiệu quả của Đại học Huế

TTH - Gần 90% sinh viên làm thủ tục nhập học vào Đại học Huế năm 2024 là con số cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.

Đại học Huế công bố điểm trúng tuyển bổ sung đợt 1

 Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế

Nhiều trường nhập học đạt 100%

Theo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, tuyển sinh năm 2024 này, có hơn 74.000 nguyện vọng đăng ký vào Đại học Huế. Số nguyện vọng này tăng 30% so với năm 2023 (năm ngoái có khoảng 52.000 nguyện vọng đăng ký). Qua thống kê, tỷ lệ nhập học trong toàn Đại học Huế tính đến ngày 12/9 là gần 90%. Đây là con số cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung cả nước. Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 81,87% thí sinh xác nhận nhập học đại học đợt 1 năm 2024.

TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế đánh giá, chưa kết thúc mùa tuyển sinh năm 2024, song đã có 4 đơn vị trong Đại học Huế số lượng thí sinh nhập học đạt 100% so với chỉ tiêu; có 6 đơn vị đạt từ 80 - 95% và 3 đơn vị trên 50%. Các trường đại học tuyển sinh tốt trong năm nay có thể kể đến: Trường đại học Luật, Trường đại học Ngoại ngữ, Trường đại học Kinh tế, Trường đại học Y - Dược, Trường đại học Sư phạm, Trường đại học Khoa học; Trường Du lịch và Khoa Quốc tế.

Hiện nay, vẫn chưa có con số cuối cùng về tỷ lệ nhập học vào Đại học Huế năm 2024, vì còn số lượng thí sinh xét tuyển bổ sung đợt 1 chưa nhập học và có thể là đợt 2, đợt 3. Dự kiến, số lượng sinh viên nhập học sẽ còn tăng lên khi Đại học Huế tuyển sinh bổ sung đợt 1 là hơn 2.200 thí sinh. Vào ngày 12/9, Đại học Huế đã công bố điểm trúng tuyển đợt bổ sung này và từ ngày 13/9, các trường tổ chức đón tiếp sinh viên nhập học cho đợt bổ sung thứ nhất.

Một kết quả khả quan khác của Đại học Huế trong tuyển sinh năm 2024 là điểm chuẩn ở nhiều trường, nhiều ngành tăng so với năm 2023. Tính khoảng 3 - 5 năm trở lại, điểm chuẩn vào Đại học Huế có sự "tịnh tiến" đáng kể. Ở các trường đào tạo khối ngành sư phạm, điểm chuẩn tăng mạnh 2 - 3 điểm so với năm ngoái. Ở các trường như Trường đại học Luật, Trường đại học Y - Dược, Trường đại học Kinh tế... điểm chuẩn đều tăng từ 0,5 - 2 điểm.

Theo lãnh đạo Đại học Huế, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các trường đại học, điểm chuẩn tăng cho thấy sự tin tưởng lựa chọn của thí sinh đối với Đại học Huế. Qua đó cũng cho thấy chất lượng đào tạo, uy tín ngày càng tăng của các chương trình đào tạo. Đây là yếu tố tác động tích cực để thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển vào Đại học Huế năm nay.

TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế thông tin, năm 2024, tuyển sinh của trường là 1.879 chỉ tiêu. Tỷ lệ nhập học của trường năm nay đạt 100% chỉ tiêu. Dù có sự phân hóa khá lớn số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giữa các ngành thế mạnh và ngành không thế mạnh. Song trên tổng thể, bức tranh chung của tuyển sinh năm nay tại trường hiệu quả hơn những năm qua. Điều này đã giúp trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu, đặc biệt điểm chuẩn tăng cao so với năm ngoái.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Lãnh đạo Đại học Huế nhìn nhận, dù vẫn còn một số đơn vị gặp khó, song tuyển sinh năm 2024 được xem là thành công với Đại học Huế. Hiện tại, các trường đã bắt đầu bước vào năm học mới. Cùng với thành công trong tuyển sinh, Đại học Huế cũng phải tiếp tục tạo ra môi trường học tập chất lượng và giúp sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

TS. Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế chia sẻ, qua một thời khá dài, sự quan tâm của xã hội và người học dành cho khối ngành đào tạo sư phạm lại mới lớn như hiện nay. Số lượng đăng ký xét tuyển vào trường tăng, điểm chuẩn tăng. Có những ngành thí sinh phải đạt gần 9,5 điểm/môn mới đậu. Trước sự quan tâm đó, đòi hỏi nhà trường phải luôn tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo để bắt nhịp với xu hướng, nhất là đào tạo ra những giáo viên đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, trường cũng hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập phát huy tính sáng tạo cho sinh viên…

Theo TS. Lê Văn Tường Lân, năm học 2024 - 2025 này, Đại học Huế tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm việc nâng cấp phòng học, phòng thí nghiệm và khuôn viên trường học để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên. Đại học Huế tiếp tục cải tiến chương trình học để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên trong thế kỷ XXI. Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên thông qua các khóa đào tạo chuyên môn, cơ hội nghiên cứu. Đây là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Đại học Huế cũng sẽ triển khai các công nghệ mới trong giảng dạy và học tập, bao gồm hệ thống học trực tuyến, các công cụ hỗ trợ học tập hiện đại để tạo môi trường học tập linh hoạt và hiệu quả.

“Một giải pháp khác được Đại học Huế đẩy mạnh hơn trong năm học mới này là mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp. Trong xu hướng hiện nay, liên kết với doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên và cập nhật kiến thức thực tiễn vào chương trình học. Các dịch vụ hỗ trợ sinh viên được ưu tiên cải thiện, bao gồm tư vấn học tập, hướng nghiệp và hỗ trợ tâm lý để giúp sinh viên có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân trong quá trình học tập tại Đại học Huế”, TS. Lê Văn Tường Lân cho biết.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi
Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thông qua nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP. Huế, nhiều gia đình đã có điều kiện đầu tư cho con em tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (NNTHĐ) tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ cơ chế Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

TIN MỚI

các khối thi đại học Đại học Duy Tân
Return to top