ClockThứ Hai, 22/03/2021 15:10

Trăn trở từ nguồn nhân lực

TTH - Theo số liệu từ UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được cải thiện, năng suất lao động tăng đáng kể với tốc độ bình quân đạt 10,8%/năm.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Trăn trở với nguồn nhân lực hiện tại

Mới đây, tại hội nghị tổng kết kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016-2020, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực cũng được xác định là 1 trong 6 chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo số liệu từ UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được cải thiện, năng suất lao động tăng đáng kể với tốc độ bình quân đạt 10,8%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều lĩnh vực, tình trạng thiếu lao động có chuyên môn, có tay nghề vẫn là vấn đề nan giải.

Ngay sau Tết Nguyên đán năm nay, tại các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động. Theo đó, các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ chơi, phụ tùng ô tô... tại các khu công nghiệp của tỉnh hiện đang thiếu hụt khoảng 7.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông.

Dù nhận định, tình trạng thiếu lao động nói trên chỉ diễn ra cục bộ vào một số thời điểm như sau dịp nghỉ tết nhưng đại diện ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh dự báo, sắp tới, khi nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, nhu cầu tuyển dụng tăng, một số doanh nghiệp có quy mô 1.000 lao động trở lên sẽ khó tuyển dụng đủ do thiếu hụt nguồn cung lao động.

Không riêng sản xuất công nghiệp, các lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt thủy sản…, nguồn lao động cũng đang thiếu hụt, trong khi yêu cầu công việc trong các lĩnh vực truyền thống này đòi hỏi ngày càng cao nguồn nhân vực có hàm lượng khoa học, công nghệ.

Là lãnh địa mới, với nhiều dư địa phát triển, nhân lực cũng đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp công nghệ. Với định hướng trở thành một trong những trung tâm khoa học công nghệ, mục tiêu Thừa Thiên Huế đặt ra là đến năm 2025, cả tỉnh có 10.000  nhân lực làm việc trong lĩnh vực IT. Mục tiêu là thế nhưng tại thời điểm hiện nay, tình trạng “khát” nhân lực công nghệ vẫn đang là câu chuyện “đau đầu” của nhiều doanh nhiệp trong lĩnh vực này.

Nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực thiếu hụt nguồn lao động phù hợp đáp ứng yêu cầu nhưng một nghịch lý là số lao động thất nghiệp lại khá lớn. Theo tính toán của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện, tỷ lệ lao động thất nghiệp cả tỉnh chiếm tỷ trọng khoảng 2-3% tổng lực lượng lao động (khoảng 12.000-15.000 người).

Thực trạng trên cho thấy sự khập khiễng giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên nhân lực, đòi hỏi những giải pháp tổng thể và phù hợp để cải thiện. Đó là chiến lược dự báo nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn, nhu cầu thị trường…

Nhìn rộng hơn, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phát triển nguồn nhân lực được tổ chức cuối năm 2020, các chuyên gia nhận định, trong 10-15 năm tới, ở 5 nước ASEAN, có khoảng 56% việc làm trong các nước này có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa. Hay gần đây, chỉ riêng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động đến 2,7 tỷ lao động (khoảng 81%) trên toàn thế giới.

Như phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực trạng chất lượng và khoảng cách cung-cầu của nguồn nhân lực trong nước nói chung đang đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới giáo dục, thôi thúc, khơi dậy sáng tạo và rèn luyện kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

Không chỉ giáo dục, đào tạo, tất cả các chính sách về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…cũng cần thay đổi. Bên cạnh những cơ chế truyền thống, cần có những cơ chế mới để người lao động có cơ hội và nhận thức được nghĩa vụ phải tự cập nhật kiến thức, được trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới, luôn sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp. Mọi chính sách, trong đó có chính sách lao động, cần được hoạch định dựa trên quy mô và tầm nhìn, không chỉ bó hẹp ở tổ chức, cộng đồng, quốc gia mà phải mở ra ở tầm khu vực và thế giới.

Đó cũng là yêu cầu về chiến lược, mục tiêu, giải pháp… để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đang đặt ra đối với Thừa Thiên Huế.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp

Chiều 3/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

TIN MỚI

Return to top