ClockThứ Sáu, 09/06/2017 06:11

Trắng đêm trên công trình cải thiện môi trường nước

TTH - Hàng đêm, những công trình thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế trên khắp các ngả đường vẫn sáng đèn. Hàng trăm công nhân, cán bộ kỹ thuật, tư vấn… miệt mài bám trụ nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.

Căng sức trong đêm

Khoảng 20 giờ, chúng tôi có mặt tại điểm công trình đường Nguyễn Thị Minh Khai. Bên dưới công trình có độ sâu hơn 3m, khoảng chục công nhân miệt mài làm các công việc đóng cọc, buộc, hàn, cố định các thanh thép...

Mỗi điểm thi công có hơn chục công nhân, cán bộ kỹ thuật làm việc vào ban đêm

Ông Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành, đơn vị thi công công trình này bảo, trừ những lúc thời tiết bất lợi, còn lại đêm nào đơn vị cũng tổ chức thi công để đẩy nhanh tiến độ. Các công nhân được luân phiên làm theo ca để đảm bảo sức khỏe.

Với mật độ làm việc hầu như không ngưng nghỉ, thật khó để bắt chuyện với các công nhân tại đây, phải đợi một lúc khi họ ngơi tay uống nước. Công nhân trẻ Hoàng Đại Nghĩa (26 tuổi, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) gương mặt nhem nhuốc nói: “Em làm ở đây đã hơn một năm với các công việc gia công, sửa và đào hố móng. Mấy tháng nay, lượng công việc nhiều nên phải tăng cường làm ca đêm, có khi theo việc đến trắng đêm, làm xong ở lại tại công trình".

Gần 21 giờ. Công trình tại đường Phạm Văn Đồng ngập trong ánh đèn vàng. Bê tông liên tục từ băng chuyền “tuôn” xuống công trình, các công nhân phía dưới nhanh tay san bằng thành khối, nén chặt. Dù sử dụng bê tông thương phẩm nhưng việc vận chuyển chủ yếu dựa vào băng chuyền và sức vóc của công nhân.

Hơn 10 phút sau, trời nổi dông rồi mưa. Mọi công việc được tư vấn chỉ đạo ngừng. Khoảng 5 công nhân vội vàng căng tấm bạt cỡ lớn đậy lên một đoạn bê tông tươi mới đổ. Chỉ huy công trình lập tức cho dừng máy trộn bê tông. Công nhân nhanh chân gom số vôi vữa vương vãi, chưa chuyển xuống công trình thành đống che cẩn thận. Xong việc, họ tập trung “trú ẩn” tại lán trại cạnh công trình.

“Tại điểm thi công này vào ban ngày chúng tôi sẽ làm sắt thép; ban đêm tiến hành gia cố móng, đóng cọc cừ và đổ bê tông. Làm việc vào ban đêm thường gặp khó trong khâu ánh sáng nên bên cạnh phân chia công việc hợp lý, chúng tôi đặt độ an toàn cho người lao động lên trên hết. Lúc trời đổ mưa như thế này phải dừng ngay việc đổ bê tông, chờ lúc tạnh hẳn mới tiếp tục công việc, có khi chờ đến vài tiếng đồng hồ sau để đổ số bê tông lỡ đã trộn”, ông Nguyễn Văn Tú, đội trưởng đội thi công (thuộc Công Ty TNHH xây dựng và thương mại Hải Thành) chia sẻ.

Chú trọng chất lượng 

Hầu hết các công nhân làm việc tại các công trình thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế đều là những lao động nghèo. Ngoài số công nhân thuộc biên chế của đơn vị thi công, có nhiều công nhân là lao động thời vụ, đến từ những miền quê trong và ngoài tỉnh. Họ tận dụng thời điểm nông nhàn hay thời gian rảnh rỗi vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Quang Lập (43 tuổi, ở Hương Toàn, Hương Trà), công nhân làm việc tại công trình trên đường Nguyễn Trường Tộ tâm sự: “Gia đình tui làm nông, sau khoảng 20 ngày cày cấy, lên đây kiếm việc làm thời vụ. Ngoài làm đêm, ban ngày tui cũng làm các công việc khác ở công trình, thậm chí chủ nhật cũng làm việc”.

Đêm ở các công trình, lán trại là nơi nghỉ ngơi của không ít công nhân. Tại một điểm công trình ở đường Nguyễn Trường Tộ hơn 21 giờ, trong khi công trình đang thi công, một số công nhân mắc màn chuẩn bị ngủ. Anh Nguyễn Trọng Quyền, kỹ sư phụ trách kỹ thuật của Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, đơn vị thi công tại điểm công trình Nguyễn Trường Tộ giải thích: “Các công nhân sẽ thay phiên nhau đổi ca. Những người tối được nghỉ ngơi, sáng mai sẽ làm sớm”.

Trong số công nhân tại các công trình đêm, không ít là lao động ngoại tỉnh. Ông Trần Phan  (ở Lệ Thủy, Quảng Bình) làm việc tại điểm công trình ở đường Hai Bà Trưng, là “lính” mới, hoàn cảnh khó khăn nên cơm đùm gạo bới vào Huế kiếm việc làm. “Tui làm ở đây được mấy ngày thôi, chưa biết được mấy tiền. Hơn 40 tuổi mới cưới vợ, 2 con giờ còn nhỏ, nhà ít ruộng vườn nên dù vất vả cũng cố gắng làm việc để có tiền trang trải cuộc sống”, ông Phan bày tỏ.

Với đặc thù làm việc ca đêm, thu nhập của các công nhân cao hơn so với ban ngày. Nếu như mỗi ngày, các công nhân được trả khoảng 200 nghìn đồng thì mỗi đêm làm việc họ được tăng thêm khoảng 50 nghìn đồng hoặc 30% ngày công tùy theo mức độ công việc.

Theo nhiều kỹ sư, chỉ huy các công trình, ngoài việc chấp nhận ăn ngủ thất thường thì làm việc ban đêm cũng có nhiều điểm thuận lợi bởi thời tiết mát mẻ. Những hạng mục công trình được thi công vào ban đêm luôn được đảm bảo chất lượng. “Huế mùa này nắng nóng, nhiệt độ ban ngày không thích hợp với việc đổ bê tông. Về đêm, bê tông liên kết tốt hơn, không tạo vết nứt, kẽ hở vì nhiệt độ phù hợp”, một tư vấn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành tại công trình đường Phạm Văn Đồng nói.

“Ở Huế có 4-5 tháng mùa mưa, do vậy thời điểm này phải đẩy nhanh tiến độ thi công vì tiết trời khô ráo. Làm ban đêm ít ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Ngoài đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật, công nhân nếu làm ca đêm, ca sáng ngay sau đó không được làm việc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng thi công công trình”, anh Nguyễn Trọng Quyền cho biết thêm.

“Tại hơn 20 điểm công trình thi công vào ban đêm có hàng trăm công nhân, cán bộ kỹ thuật, tư vấn, giám sát làm việc; khoảng 4 nhà thầu chính đảm nhiệm việc thi công. Làm đêm thường ưu tiên các công trình tạm thời, không quá phức tạp; dự án dự kiến đến tháng 8/2018 sẽ hoàn thành. Hiện nay, khối lượng công việc đã làm được khoảng 40%”, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế cho biết.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
Những công trình “băng sông, vượt biển”

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông được đầu tư không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những công trình “băng sông, vượt biển”
Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.

Tăng tốc trên các công trình trọng điểm
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Return to top