ClockThứ Sáu, 13/08/2021 14:36

Trợ lực cho doanh nghiệp

Dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã khiến các doanh nghiệp (DN) “lên bờ xuống ruộng”. Qua 4 đợt dịch bùng phát ở nước ta, nhiều DN chưa kịp hồi phục sau đợt dịch này lại đối diện với những khó khăn mới phát sinh. Có không ít DN không thể hồi phục, phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của nền kinh tế, mà còn tác động tiêu cực đến việc làm, an sinh xã hội của hàng triệu lao động.

Năm 2020, với sự xuất hiện bất ngờ của dịch COVID-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều giảm tốc độ tăng trưởng do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Ở trong nước, để khống chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, với việc thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hoạt động xã hội phải hạn chế, tạm dừng; các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đóng cửa, các DN sản xuất phải thực hiện các biện pháp an toàn; việc lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn… nên đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Tại Thừa Thiên Huế, theo báo cáo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh, do Cục Thống kê khảo sát tháng 4/2020 và mới công bố gần đây cho thấy, có tới 92,4% DN được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Đáng chú ý, một số ngành kinh tế đầu tàu của tỉnh có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cao, điển hình như: dịch vụ lưu trú và ăn uống 98,45%; công nghiệp chế biến, chế tạo 97,48%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (trong đó có hoạt động của các đại lý du lịch và đại lý vé máy bay) 95,7%; vận tải kho bãi 93,24%; giáo dục và đào tạo 90,48%... Nhiều DN đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như: Cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm lương lao động, thu hẹp quy mô SXKD hoặc tạm ngừng hoạt động.

Với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng 19 tỉnh, thành phía nam - trong đó có TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất, trung tâm logistics của các nước - đã tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn đại dịch COVID-19, thời gian qua, Chính phủ có hàng loạt giải pháp cấp bách hỗ trợ DN, như miễn, giảm, chậm nộp thuế các loại, tiền thuê đất, giảm lãi suất; kéo dài, cơ cấu lại, khoanh nợ, tăng hạn mức cho vay; cho vay trả lương người lao động; giảm các loại thuế phí liên quan đến quá trình lưu thông hàng hóa,…

Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát dịch bệnh được đặt lên nhiệm vụ hàng đầu, nhưng duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tại buổi họp báo của Chính phủ ngày 11/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện. Dự kiến năm 2021, khoản hỗ trợ là 118 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất gói hỗ trợ tiếp theo trên 20 nghìn tỷ đồng…

Trợ lực giúp DN vượt qua khó khăn trước mắt là cần thiết, nhưng để giúp DN có thể “sống khỏe” trong và sau dịch cũng là điều cần được quan tâm. Theo kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xây dựng và ban hành Nghị quyết tổng thể về các chính sách mang tính dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho giai đoạn mới 2021-2025.

 Theo đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện theo hướng tập trung, đúng đối tượng và theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ phù hợp, giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động SXKD. Đây chính là “liều thuốc” không chỉ giúp các DN cầm cự với khó khăn trước mắt, mà có thể “khỏe” về lâu dài, trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào mới có điểm dừng.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, giải thể doanh nghiệp (DN) đã trở thành một lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều chủ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc không nắm các quy định pháp luật về giải thể DN, nhất là tuân thủ các nghĩa vụ thuế liên quan khiến thời gian thực hiện thủ tục giải thể DN kéo dài.

Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top