ClockThứ Hai, 01/07/2019 15:53

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Không chủ quan với cháy nổ

TTH - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐH) là nơi trưng bày nhiều hiện vật cổ, tài sản quý của Quốc gia, có nhiều công trình kiến trúc làm bằng những vật liệu dễ cháy. Vấn đề phòng, chống cháy nổ luôn được TBTDTCĐH đặt ra với nhiều phương án, giải pháp cụ thể, thiết thực.

Tập huấn an toàn lao động và phòng chống cháy nổPhòng, chữa cháy ở các chợ: Chỉ có 2/154 chợ đảm bảo tốt yêu cầuKhông nâng giá, đảm bảo phòng chống cháy nổ và an toàn thực phẩmTrang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy cho học sinh

Diễn tập PCCC tại Cung Trường Sanh

Nâng cao kỹ năng

Mới đây, TTBTDTCĐH phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh tổ chức diễn tập phương án PCCC, CNCH tại cung Trường Sanh. Buổi diễn tập chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, nhưng có nhiều bài học được rút ra và điều quan trọng là nâng cao ý thức, kỹ năng xử lý khi có tình huống cháy nổ tại đơn vị.

Ông Trương Phước An, chuyên viên Phòng Quản lý bảo vệ TTBTDTCĐH, cho biết: “Thời tiết hiện rất nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao. Ngoài xây dựng phương án PCCC thì vấn đề CNCH rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nếu có sự cố xảy ra cháy nổ ở các đơn vị lớn như TTBTDTCĐH thì bao giờ cũng có người mắc kẹt ở bên trong. Do vậy, không chỉ có kỹ năng PCCC mà còn biết cách ứng cứu người bị nạn ở trong đám cháy”.

TTBTDTCĐH thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tổ chức diễn tập các tình huống giả định nhằm huấn luyện kỹ năng chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có cháy nổ. Hai đơn vị còn tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn quần thể di tích. Đến nay, TTBTDTCĐH đã tự tổ chức được 18 đợt giả định tình huống cháy tại 12 điểm di tích khác nhau.

Những ngày này, lực lượng quản lý bảo vệ của TTBTDTCĐH thường xuyên cử người, phân bổ đều tại các hạng mục công trình, điểm di tích để kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, nhân viên, người lao động và khách tham quan nâng cao ý thức về cháy nổ, tuyệt đối không được hút thuốc trong khu vực công trình của TTBTDTCĐH. Hệ thống điện trong TTBTDTCĐH cũng được kiểm tra thường xuyên.

“Đơn vị có lực lượng chủ lực phòng chống cháy nổ gồm 50 người với đầy đủ các phương tiện PCCC, như: bình chữa cháy; máy bơm chữa cháy; các họng chữa cháy được bố trí tại các hạng mục công trình; lăng, vòi chữa cháy các loại; bể dập lửa, xe tải; các bể chứa nước chữa cháy có khối lượng lớn và các hồ nước với lượng nước bao quanh. Vì vậy, đơn vị khá thuận lợi trong công tác PCCC khi có tình huống cháy nổ xảy ra”, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ, Phó Ban Chỉ huy PCCC TTBTDTCĐH khẳng định. 

Không chủ quan, lơ là

Trong những ngày nắng nóng này, TTBTDTCĐH thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương có điểm di tích, tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về PCCC rừng tiếp giáp khu vực I, khu vực II  - khoanh vùng bảo vệ di tích; lắp đặt hệ thống biển nội quy về PCCC tại các khu vực để cảnh báo và tuyên truyền người dân thực hiện tốt hơn nữa công tác PCCC rừng.

“Chúng tôi đã phát quang mở rộng đường ranh cản lửa tại di tích lăng vua Gia Long, Thiệu Trị, Đồng Khánh, khu vực điện Huệ Nam với tổng diện tích 22.596m² nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy lan; tiếp tục bảo dưỡng các đường ranh cản lửa; sửa chữa hệ thống báo cháy tự động tại Nhà hát Duyệt Thị Đường và cung Diên Thọ. Đơn vị đã mua sắm các trang thiết bị PCCC hiện đại có giấy chứng nhận kiểm định về PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh theo đúng quy định pháp luật”, ông Nguyễn Thành Nam cho biết thêm.

Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc TTBTDTCĐH khẳng định: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCCC đối với quần thể di tích Cố đô Huế - di tích Quốc gia đặc biệt và là di sản văn hóa nhân loại, Đảng ủy, Ban Giám đốc TTBTDTCĐH luôn đặt nhiệm vụ PCCC lên trọng tâm hàng đầu, đảm bảo an toàn về tính mạng cho du khách”.

Theo Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh: “TTBTDTCĐH cần khẩn trương kiểm tra công tác PCCC các công trình di tích, nhất là các công trình kiến trúc bằng gỗ, những vật liệu dễ cháy. Chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các địa phương để triển khai có hiệu quả việc PCCC rừng cảnh quan tại các điểm di tích. Ngoài trang bị, duy tu và bảo dưỡng các phương tiện PCCC, đơn vị cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, hệ thống cảnh báo cháy để kịp thời ngăn chặn các sự cố cháy nổ có thể xảy ra”.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

TIN MỚI

Return to top