ClockChủ Nhật, 01/12/2024 06:31

Những “người hùng thầm lặng”

TTH - Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Uy nghi điện Thái HòaVàng son kỳ mỹ

 Phan Minh Vũ kiểm tra những chi tiết sơn thếp trên bức hoành “Thái Hòa Điện”

Vinh dự, tự hào

Gặp Phan Minh Vũ – nhân viên Công ty CP Tu bổ Di tích Huế khi anh đang tỉ mỉ kiểm tra lần cuối những chi tiết sơn thếp trên bức hoành “Thái Hòa Điện”. Đứng trên xe nâng gần 2h đồng hồ, Vũ cẩn thận “soi” từng góc nhỏ, “dặm” những điểm còn tì vết, đến khi xác định tất cả đã hoàn chỉnh mới thở phào nhẹ nhõm.

Trước thời điểm bàn giao công trình di tích điện Thái Hòa để sẵn sàng mở cửa đón khách tham quan, bức hoành “Thái Hòa Điện” đã được treo về vị trí cũ. “Giây phút đó, những người thợ chúng em ai cũng xúc động, tự hào. Tự hào vì mình đã góp một phần công sức nhỏ bé để có ngôi điện tráng lệ, tinh xảo như hôm nay”, Vũ chia sẻ.

Phan Minh Vũ là 1 trong 79 thợ lành nghề và các nghệ nhân vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế khen thưởng vì những đóng góp trong quá trình tham gia bảo tồn, tu bổ di tích điện Thái Hòa - công trình mang tính biểu tượng của Triều Nguyễn và là kho tàng văn hóa lịch sử vô giá của dân tộc. Sau 3 năm đại trùng tu, diện mạo điện Thái Hòa được trả lại vẻ đẹp lộng lẫy vốn có.

Hơn 10 năm trong nghề, lần đầu tiên, Phan Minh Vũ được tặng giấy khen và khen thưởng. Trong lễ trao tặng rất trang trọng, Vũ xúc động:

"Em vẫn nhớ lãnh đạo Trung tâm nói rằng, nếu không có các bạn, những nghệ nhân, thợ lành nghề ngày đêm miệt mài cống hiến tâm sức của mình cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích thì công việc này không thể hoàn thành”.

 Tỉ mỉ khi thếp vàng

Vũ là thành viên có tuổi nghề ít nhất trong tổ. Hơn 40 người của bộ phận sơn thếp thuộc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế đều có thâm niên 15 đến trên 20 năm. “Tiếng là thợ sơn, nhưng công đoạn nào mọi người cũng làm được. Mỗi người một việc, ai cũng biết việc để làm và đều tuân thủ chặt chẽ yêu cầu đặt ra của công tác trùng tu, tu bổ”, Vũ nói.

Không riêng Vũ, những người thợ lành nghề như bà Võ Thị Bích, Nguyễn Thị Bích Đào, Hoàng Thị Gái hay ông Lê Văn Kỹ, Lê Văn Kiêm, Nguyễn Văn Khiêu, Nguyễn Đăng Long - những nghệ nhân được tôn vinh dịp này vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến kỹ năng, tình yêu và tâm huyết đối với di sản của dân tộc. Trong suốt quá trình tu bổ, từ việc phục hồi từng chi tiết nhỏ nhất cho đến những công việc đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, tất cả đều được họ thực hiện với sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tận tụy.

Những “công nhân di sản”

31 năm kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đã có khoảng trên 200 hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu. Các di tích Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh; lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng), điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định), điện Kiến Trung, điện Thái Hòa... được trùng tu, phục hồi, nâng cấp và trả lại nguyên bản như nó đã từng. Trong những thành quả đó, có công sức không nhỏ của những nghệ nhân, người thợ lành nghề ngày đêm miệt mài chăm chút từng đường nét chạm trổ, nâng niu từng viên ngói, mảnh sành cho di sản.

 Chăm chút từng chi tiết nhỏ ở công trình điện Thái Hòa

Theo Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung, trùng tu và bảo tồn là công việc đặc thù, đòi hỏi người thợ phải có kiến thức, am hiểu về di sản, nhất là phải có kỹ năng, tay nghề cao, kinh nghiệm thực tiễn trong các ngành nghề thủ công truyền thống, như: chạm khắc gỗ, đúc đồng, gốm sứ, vẽ tranh, phục dựng các công trình kiến trúc cổ…

Thời xưa, chính những nghệ nhân, những người thợ giỏi là nhân tố quan trọng làm nên di sản kiến trúc này. Ngày nay, Quần thể di tích Cố đô Huế là tài sản vô giá của quốc gia và thế giới. Và cũng chính họ - những “công nhân di sản”, đang góp phần gìn giữ “gia tài” quý báu mà cha ông để lại bằng bàn tay tài hoa của mình. “Bảo tồn di tích không chỉ đơn giản là công việc phục hồi, mà còn là hành trình tôn vinh di sản, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với lịch sử và góp phần “truyền lửa” văn hóa, nghệ thuật dân tộc cho thế hệ mai sau. Họ không chỉ là những người thợ. Họ là những người gìn giữ tinh hoa của cha ông, người truyền cảm hứng về lòng tự hào và trách nhiệm đối với di sản. Với những đóng góp ý nghĩa và thầm lặng đó, chúng ta cần tri ân và tôn vinh họ”, ông Trung nói.

Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Uy nghi điện Thái Hòa

Sau 3 năm tập trung cao nhất có thể các nguồn lực về tài chính, nhân lực…, điện Thái Hòa - trái tim của Hoàng thành Huế, đã chính thức trở lại đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay.

Uy nghi điện Thái Hòa
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Return to top