ClockThứ Sáu, 24/07/2020 08:37

Trung thực, trách nhiệm trong liên kết

TTH - Cuối tuần qua, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tổ chức Lễ ra mắt Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F tại huyện Phong Điền, với vốn đầu tư lên đến 700 tỷ đồng.

Ý thức trách nhiệm vì cộng đồng quyết định thắng lợi trong phòng chống dịch COVID-19

Đây không chỉ là hướng đầu tư phù hợp yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn hiện nay, mà còn tạo điểm tựa, thúc đẩy phát triển chăn nuôi nông hộ, gia trại theo hướng an toàn sinh học, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Ngành chăn nuôi giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của nước ta, đảm bảo nguồn thực phẩm trong nước. Thực tế, hầu hết các nông hộ đều tham gia vào ngành chăn nuôi với các quy mô khác nhau. Hộ ít thì vài ba con lợn, đàn gà. Hộ có điều kiện thì đầu tư gia trại, trang trại với quy mô lớn hơn.

Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường, dịch bệnh khiến không ít người chăn nuôi lao đao. Có lúc giá thịt lợn lao dốc, bán thấp hơn giá thành. Điệp khúc giải cứu thịt lợn, thịt gà từng xảy ra. Lúc được giá thì thường rơi vào thời điểm dịch bệnh hoành hành, nguồn cung bị hạn chế như thời gian vừa qua. Được giá hay mất giá, người chăn nuôi đều luôn đối diện với nguy cơ rủi ro.

Cơ cấu lại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ phù hợp với mô hình nông hộ đang là vấn đề đặt ra đối với các bộ ngành liên quan và cũng là mong muốn của người chăn nuôi. Thời gian qua, Chính phủ, các địa phương đều khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Thực tế, hiện khá nhiều doanh nghiệp triển khai đầu tư các mô hình, trang trại chăn nuôi quy mô, áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiên tiến, an toàn và khẳng định hiệu quả. Riêng địa bàn Thừa Thiên Huế có thể kể đến các cái tên: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Lam Điền, Thái Việt, 1/5, Quốc Trung…

Tuy nhiên, với các nông hộ, chủ gia trại nhỏ việc này không hề đơn giản. Cái khó ở đây không chỉ là đất đai, nguồn lực đầu tư hạ tầng mà người nông dân còn thiếu cả kiến thức, kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi. Ngay cả khi chăn nuôi thành công thì đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng là thách thức với những người chăn nuôi nhỏ.

Lời giải cho bài toán này cũng đã có. Đó là xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Trong đó, doanh nghiệp có vai trò “bà đỡ” cung cấp cho nông hộ con giống, kỹ thuật, thức ăn, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, dù thị trường có biến động. Người chăn nuôi có trách nhiệm thực hiện đúng các quy trình chăn nuôi, sử dụng đúng chủng loại thức ăn do doanh nghiệp cung cấp và phải bán sản phẩm cho doanh nghiệp.

Nguyên tắc là vậy, nhưng thực tế mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đã có trường hợp, người chăn nuôi thực hiện đúng yêu cầu nhưng do biến động thị trường hay khó khăn riêng, doanh nghiệp lặn mất tăm, đẩy người chăn nuôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Cũng có trường hợp, người chăn nuôi cố tình không thực hiện cam kết nhằm kiếm lợi cho riêng mình. Chẳng hạn, để có sản phẩm an toàn thì người chăn nuôi phải sử dụng đúng thức ăn doanh nghiệp cung cấp, nhưng họ dùng thêm thức ăn khác để giảm chi phí, hoặc sử dụng chất cấm để thúc vật nuôi mau lớn. Khi giá sản phẩm thị trường tăng cao thì một số người chăn nuôi tìm cách đánh tháo để bán ra ngoài…

Những chuyện như vậy không phải là hiếm. Trong liên kết, ngoài các quy định chặt chẽ, vấn đề quan trọng là trách nhiệm và sự trung thực của cả hai phía để tạo dựng niềm tin, gắn kết lâu dài. Làm được điều này không chỉ hai bên cùng có lợi mà còn đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững, hiệu quả.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Liên kết để phát triển bền vững

Phát triển kinh tế theo hướng mô hình tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT) là cách hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên.

Liên kết để phát triển bền vững
Trách nhiệm với công tác tuyển quân

Gần 30 năm đảm nhiệm công tác tuyển quân, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Trần Xuân Toản, nhân viên Quân lực, Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nam Đông luôn khắc phục khó khăn, trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trách nhiệm với công tác tuyển quân
Return to top