ClockThứ Tư, 08/12/2021 10:41

Từ chức, miễn nhiệm là hoạt động bình thường trong công tác cán bộ

TTH.VN - Bộ chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Đây không phải là quy định mới nhưng từ văn bản đến thực tế còn nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến hiệu lực thi hành.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Không phải đến bây giờ Đảng ta mới đặt vấn đề về miễn nhiệm, từ chức trong công tác cán bộ. Từ năm 1997, Hội nghị Trung ương 3 khóa 8 đã đề cập: “Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”.

Năm 2009, Bộ chính trị tiếp tục ban hành Quy định 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 “Về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”. Như vậy, miễn nhiệm, từ chức không phải là vấn đề mới mà đã được Đảng ta đặt ra từ nhiều năm trước. Nhưng tại sao công tác này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc? Nhiều cán bộ sai phạm, uy tín chưa tự giác xin từ chức, miễn nhiệm còn để kéo dài. Dư luận bàn luận, không đồng tình về tính tự giác, tự trọng của cán bộ dù đã sai phạm hoặc tín nhiệm thấp nhưng vẫn cố “giữ ghế” đến cùng. Tự giác từ chức còn hiếm hoi và chỉ khi được kết luận rõ ràng, không thể cưỡng lại được mới từ chức, cán bộ tự giác từ chức còn rất hiếm. Một số cán bộ chủ chốt, lãnh đạo cấp trưởng còn tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho cấp phó, cho tập thể để giảm nhẹ khuyết điểm, quanh co với sai phạm khi đối diện bị kỷ luật.

Nhiều người giữ chức vụ quan trọng ở cơ quan, địa phương có hiện tượng "mơn trớn", mua chuộc và cả đe dọa, làm cho cấp dưới không dám phê bình, tố cáo, nói lên sự thật. Ngay cả khi lấy phiếu tín nhiệm cũng khó có kết quả thực chất khi ở những nơi yếu kém trong phê bình, đấu tranh nội bộ. Số cán bộ đi lên bằng “chạy chức” thì khó lòng từ bỏ chức vụ, bổng lộc để tự giác từ chức. Cho nên, yếu tố quan trọng nhất là tự thân của lãnh đạo gắn với trách nhiệm cá nhân cần được xem xét thẳng thắn nhằm tạo tiền lệ tốt cho công tác này có hiệu lực trên thực tế.

Về khách quan, lãnh đạo cấp ủy, thủ trưởng ở từng cơ quan, đơn vị xử lý không đúng, thiếu quyết liệt làm cho miễn nhiệm, từ chức kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến đoàn kết nội bộ. Cán bộ không còn đủ tín nhiệm có những mối quan hệ, nhóm lợi ích hay quan hệ trên - dưới nặng theo cảm tính, lấn át nguyên tắc, kỷ luật và tính công bằng chung. Cấp có thẩm quyền chỉ đồng ý cho miễn nhiệm, từ chức khi đã có kết luận rõ ràng và không còn cách nào khác. Nhiều khi cấp trên còn vận dụng để điều chuyển, thay đổi vị trí công tác, có khi còn bố trí vị trí cao hơn.

Nguyên nhân chính là đã “há miệng mắc quai” hoặc lý do tế nhị nào đó, cho nên tìm cách bao che cho “thuộc cấp”, “đàn em”, có khi còn “vạch đường cho hươu chạy” bằng thay đổi vị trí để chạy tội. Cơ cấu về tổ chức của chúng ta nhiều cán bộ giữ các chức vụ khác nhau về mặt Đảng, chính quyền; cơ chế quản lý song trùng trên - dưới, giữa trung ương và địa phương... làm xử lý khó khăn, kéo dài, thiếu công bằng. Mặt khác văn hóa, tập quán phương Đông ảnh hưởng nặng nề khi một ai đó bị miễn nhiệm, từ chức. Thôi giữ chức vụ đồng nghĩa với “về vườn”,“mất chức”, “hết thời”, “gẫy cánh”...

Mặt khác, chúng ta chưa có thông lệ, tập quán từ chức như các nước khác nên miễn nhiệm đã khó khăn, phức tạp, từ chức lại càng hiếm hoi. Đó là nguyên nhân lý giải tại sao miễn nhiệm, từ chức chỉ diễn ra khi cán bộ vi phạm nghiêm trọng, dư luận chỉ trích hoặc nội bộ có phản ứng gắt gao. Những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, hiệu lực của vấn đề miễn nhiệm, từ chức trong sinh hoạt chính trị hiện nay.

Từ thời phong kiến, những quan chức bị phế truất hoặc cáo quan về ở ẩn không phải là hiếm. Có chăng là khác nhau quan điểm, cách thức và bản chất với từ chức, miễn nhiệm như hiện nay. Ngày xưa từ quan chủ yếu là bất bình với vua, quan, không muốn làm trái lương tâm nên từ quan là hình thức phản đối, trọng giữ liêm sỉ, danh dự. Hành động từ bỏ chức tước, quyền lợi cá nhân của họ rất đáng trân trọng. Hiện nay những người lãnh đạo dám mạnh dạn từ chức khi không còn đủ tín nhiệm phải được xem là sinh hoạt là bình thường khi tự đánh giá yếu năng lực, không còn tín nhiệm.

Tuy nhiên, từ chức khi tự mình “thấy không còn xứng đáng” theo như Quy định 41 không phải dễ nếu từng cá nhân và cấp có thẩm quyền thiếu khách quan, nặng theo cảm tính. Vấn đề quan niệm cá nhân và cách nhìn của xã hội về chức tước, danh dự cần phải được đề cao. Trong thực tế, người có chức vụ được xem là sự thành đạt, có địa vị xã hội không chỉ với bản thân mà còn ảnh hưởng với bà con, dòng tộc, rộng hơn là địa phương, cơ quan. Trong quy định 41 có nhiều điểm mới chặt chẽ nhưng cũng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho người bị miễn nhiệm, từ chức có điều kiện tiếp tục phấn đấu về sau. Từ chức, miễn nhiệm không phải hết cơ hội mà vẫn được tái quy hoạch, bổ nhiệm nếu bản thân phấn đấu tốt, hoàn thiện hơn với chính mình.

Thay đổi một tập tục, thói quen, tâm lý xã hội vốn đã là tiềm thức tồn tại lâu dài là vấn đề khó. Tuy nhiên, không thể cố giữ quan niệm cũ vốn gây khó, phức tạp cho công tác tổ chức. Cần phải có cách nhìn thông thoáng, xem lãnh đạo cũng là “nghề” làm “người đầy tớ”, làm quan chức là để “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Không xem chức vụ, địa vị là “tối thượng”, nơi “làm ăn phát tài” để cán bộ nhẹ nhàng tâm lý và xã hội có cái nhìn công bằng, nhân văn. Xin từ chức cũng là động thái đáng được trân trọng, xem từ chức là văn hóa, miễn nhiệm là hoạt động bình thường trong công tác tổ chức, cán bộ.

Nguyễn An Hòa

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng tự trọng của cán bộ - Từ Quy định 41 đến Quy định 144-QĐ/TW

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới nhấn mạnh tới tiêu chí "danh dự, lòng tự trọng". Quy định mới cũng gắn kết chặt chẽ với Quy định số 41-QĐ/TW bằng quan điểm có tính hệ thống: Cán bộ phải từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.

Lòng tự trọng của cán bộ - Từ Quy định 41 đến Quy định 144-QĐ TW
Return to top