Tôi càng yên tâm hơn khi được giải thích, nếu có tình hình gì liên quan đến dịch bệnh sẽ được cơ quan chức năng thông tin để kịp thời kiểm tra, phòng tránh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Đồng thời, thông tin cá nhân tôi cũng giúp cơ quan chức năng nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Nhất cử lưỡng tiện, lợi mình và lợi cho xã hội sao phải né tránh.
Thực tế, sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán, lượng người đến Huế chủ yếu là công nhân các tỉnh làm ở các khu công nghiệp; bệnh nhân và người nhà đến khám bệnh và một lượng lớn sinh viên sẽ quay trở lại học tập vào tuần sau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, bởi họ đến từ rất nhiều địa phương khác nhau. Để giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thực hiện khai báo y tế là giải pháp cần thiết lúc này.
Hiện nay, tại các bến xe, ga tàu, sân bay trên địa bàn tỉnh đều thành lập các tổ chốt chặn, thực hiện khai báo y tế. Ngày 17/2, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài và các hãng hàng không hướng dẫn hành khách đến Huế cài đặt Hue-S và thực hiện khai báo y tế và sử dụng Hue-S để quyét QR tại các điểm đến trong quá trình di chuyển trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Hue-S còn cập nhật thường xuyên, nhận các thông báo tình hình dịch bệnh của địa phương, các cảnh báo tình hình mới để chủ động và không vi phạm quy định chống dịch tại địa phương.
Hue-S cũng được sử dụng để tra cứu các điểm xuất phát khi đến Thừa Thiên Huế phải cách ly tập trung 14 ngày để du khách chủ động lộ trình di chuyển. Tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều lắp đặt các điểm quét mã QR để quản lý người ra, vào.
Thực tế cho thấy, trong dịp tết ai cũng đi đó đi đây, tiếp xúc với nhiều người nên tâm lý phổ biến là “ngại” kể chi tiết hành trình trong kỳ nghỉ tết nên khai báo y tế không đầy đủ. Nhất là việc tiếp xúc với những người về từ vùng có dịch, bản thân họ không biết, hoặc có biết cũng chủ quan đó là F2, F3 không đáng ngại; hoặc không muốn kê khai, sợ sẽ “phiền phức” vì có thể phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tập trung. Chính tâm lý này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nếu không may có các F2, F3 mắc bệnh, trở thành F0. Thực tế này đã xảy ra ở Hải Dương, khiến tình hình dịch COVID-19 ở đây diễn biến phức tạp, từ 1-2 ổ dịch đến nay lây lan 12/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh này.
Khai báo y tế được xem là hàng rào đầu tiên, giúp cơ quan y tế nắm bắt tình hình và vào cuộc truy vết một cách nhanh nhất khi xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Quy định hướng dẫn đã có, thậm chí luật cũng quy định cụ thể các mức độ nguy cơ, hậu quả và các chế tài, do đó việc cần thiết là trung thực khai báo y tế của mỗi người dân. Nếu không tự giác khai báo, để phát sinh dịch bệnh thì ngoài số tiền phạt lên đến 200 triệu đồng, người vi phạm còn có thể bị khởi tố hình hình sự, với mức phạt tù 1-12 năm, tùy theo mức độ hậu quả.
Hoàng Minh