UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh như thế tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ, lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị do Ban Công tác đại biểu – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại TP. Huế sáng 26/3.
Hội nghị còn có sự tham gia đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ; đại diện Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng, tỉnh Lâm Đồng. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế, có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Nguyễn Quang Tuấn; đại diện các ban thuộc HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh…
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu (phải) trao hoa cho Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hoá - đơn vị sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 2
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND
Phát biểu tại hội nghị, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu cho rằng, việc tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ là hoạt động thường kỳ, được tổ chức mỗi năm 2 lần, tuy vậy, có lúc bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đến nay, tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát, sinh hoạt của người dân, hoạt động của cơ quan, đơn vị, sản xuất, kinh doanh đã dần trở lại bình thường, đang phục hồi và tăng tốc phát triển.
Hội nghị này là cơ hội để HĐND các tỉnh các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh khách mời phản ảnh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đến lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; đồng thời cũng là cơ hội tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm hoạt động giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương, là một trong những điều kiện quan trọng giúp các địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Với chủ đề “Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND - Thực trạng và giải pháp”, đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, cần quan tâm đặc biệt trong tiến trình hội nhập của nước ta hiện nay. Giải quyết tốt nội dung này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình thời gian đến.
Trao đổi tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, cần nhìn nhận một cách khách quan hoạt động của đại biểu HĐND thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu quan tâm chỉ đạo một số vấn đề như xây dựng các quy định về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, cơ chế thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với đại biểu HĐND; đồng thời, giao HĐND các cấp quy định cụ thể việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu theo yêu cầu thực tế của từng địa phương.
Ngoài ra, ban hành quy định khung về các chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, khả năng của mình. Cần hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục, điều kiện bãi nhiệm đại biểu khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân theo quy định tại Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nhiều tham luận của đại diện Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã cùng nhau trao đổi, thảo luận tập trung những nội dung trọng tâm sau để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Trong đó, tập trung nhiều vấn đề như cơ cấu, số lượng, chất lượng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND; các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; các nội dung khác liên quan đến hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND…
Phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân
UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, các báo cáo, tham luận và ý kiến phát biểu tại hội nghị có chất lượng tốt, nêu bật được thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Qua các hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện thể chế về tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND nhằm hỗ trợ HĐND cấp tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, trong khuôn khổ Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị ngay từ bây giờ các cấp ủy đảng và chính quyền cần chủ động bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2021-2026 và quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ tới.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND thì bản thân mỗi vị đại biểu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân địa phương, thực hiện tốt nhất chương trình hành động của mình khi ứng cử đại biểu HĐND, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm để nói lên tiếng nói của người dân, mọi quyết định phải đặt lợi ích của nhân dân trên hết, trước hết.
Bên cạnh đó, cần bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho đại biểu Hội đồng nhân dân triển khai các hoạt động có hiệu quả tốt nhất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả cao các cuộc giám sát việc thực thi pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ở địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp…
Phó Chủ tịch Quốc hội tin rằng Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ “kép”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chia sẻ, hội nghị được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong số 7 tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế cao hơn trung bình của cả nước (đạt 4,36%); thu ngân sách nhà nước, vượt 66,7% dự toán. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh với phương châm “tính mạng của người dân là trên hết, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Với những kết quả đó, Phó Chủ tịch Quốc hội tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của Chính quyền, cùng với cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân, của các tỉnh, thành phố trong khu vực và của cả nước, Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, vừa khôi phục, tăng trưởng kinh tế theo chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội". Ngoài ra, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2045, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Bài, ảnh: Nhật Minh