Thứ Tư, 20/03/2019 08:32
(GMT+7)
Ứng phó và biết cách chia sẻ
TTH - Xét nghiệm lâm sàng các mẫu bệnh phẩm của 4 con lợn của một hộ dân tại thôn Hiền An (Phong Sơn, Phong Điền) cho thấy, Thừa Thiên Huế đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi khi kết quả đều dương tính.
Thông tin này đã làm cho thị trường thịt lợn trên địa bàn đã có phần vơi vớt và hao hụt trong những ngày vừa qua càng trở nên dè dặt hơn. Việc xuất hiện dịch bệnh này đã làm cho người chăn nuôi lo lắng, khi mà việc phát triển đàn heo chỉ vừa mới được vực dậy được một thời gian ngắn sau dịch liên cầu lợn khiến các cơ sở và người chăn nuôi lao đao.
Dù chưa rõ nguyên nhân gây ra dịch bệnh khi điểm xảy ra dịch không phải ở khu vực đông dân cư, không nằm trên tuyến quốc lộ; khu vực chăn nuôi của hộ gia đình này cũng nằm ở một khu vực cách biệt cộng thêm các yếu tố khác như dùng thức ăn công nghiệp, chủ hộ nuôi không sử dụng thực phẩm từ thịt lợn trước khi xảy ra dịch…nhưng việc khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh bằng cách chôn lấp ở khu vực có dịch đã được các cơ quan chức năng thực hiện nhanh chóng và kịp thời. Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có thông báo và thực hiện việc cấp phát hóa chất với tổng số 7.000 lít từ nguồn dự trữ Quốc gia để thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường cho các địa phương. Việc cung cấp thông tin, hướng dẫn và yêu cầu các hộ nuôi, các gia trại và các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tiến hành tiêu độc khử trùng và thực hiện các biện pháp sinh học cũng được tiến hành. Cùng với việc ra Công điện yêu cầu tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn, tiến hành kiểm tra thực địa… lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi và các chợ dân sinh nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh qua các khu vực khác. Đây cũng là vấn đề được theo dõi và tiến hành giám sát, kiểm tra thường xuyên kể từ khi có dịch trên địa bàn. Theo thông tin từ trang http://www.dangcongsan.vn dẫn lời của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thì hiện chưa có vacxin phòng bệnh; người dân phải chủ động tự bảo vệ đàn lợn; thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan thú y và phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng để phòng chống dịch bệnh này đạt hiệu quả.
Phản ứng của người tiêu dùng đối với thịt lợn khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là không phải vì thế mà quay lưng với thịt lợn, cũng không phải vì thế mà từ chối sự chia sẻ với người chăn nuôi. Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan – nguồn đã dẫn – thì vi rút dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người, không gây dịch tả lợn ở người. Do vậy, cách tốt nhất hiện nay không phải là quay lưng với thực phẩm và dinh dưỡng từ thịt lợn mà ở chỗ, người tiêu dùng nên chọn mua từ các cơ sở có uy tín, có thể trích xuất được nguồn gốc và đảm bảo các khâu trong chế biến.
Nguyễn An Lê