ClockThứ Bảy, 25/11/2017 07:41

Vẽ bản đồ ngập lụt

TTH - Nếu có một bản đồ ngập lụt của Thừa Thiên Huế (vùng ngập lụt, mức độ ngập lụt, thời gian ngập lụt…) để rút ra một quy luật nào đó, từ đó khuyến nghị cho người dân trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... sẽ là một giải pháp thiết thực giúp người nông dân “sống chung với lũ”.

Về vùng rốn lũ

Lụt chồng lụt, không phải đến bây giờ mới có. Nhưng có vẻ như nó ngày càng nhiều hơn và trên diện rộng hơn. Năm nay, đầu năm thì nhiều nơi bị hạn hán, mặn xâm thực. Cuối năm thì bão lụt triền miên, từ Bắc chí Nam. Riêng miền Trung bị hết sức nặng nề. Các nhà khoa học cho rằng, những biểu hiện tự nhiên khác thường và cường độ ngày càng lớn là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng.

Đã “sống chung với lũ” thì phải biết lũ như thế nào... Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Ở diện hẹp hơn, chúng ta cũng cảm nhận rất rõ điều này. Tự nhiên đã bị con người can thiệp, tác động nhiều quá nên làm cho những quy luật không còn diễn ra theo chu kỳ (tương đối) như trước đây. Nó “bất thùng chi thình”. Có khi ở hạ du không mưa nhiều nhưng vẫn lụt vì việc xả lũ của các đập thủy điện, dù là đúng quy trình vận hành.

Ở đô thị, khi lũ lụt diễn ra, cùng lắm là ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương hàng hóa trong vài ngày. Còn ở khu vực nông thôn, lũ lụt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, vốn mức sống còn thấp, việc làm của họ bị tác động nhiều bởi thiên nhiên.

Không còn có cách nào hơn là “sống chung với lũ”. Đã sống với nó thì phải biết nó như thế nào mới sống được. Nhưng ngặt nỗi là chúng ta không thể biết được, nên điều cần chú ý là hết sức đề cao sự cảnh giác. Phải tìm ra giải pháp thích ứng.

Những trận lụt vừa qua làm hư hại rất nhiều diện tích hoa màu; cá nuôi bị chết và cuốn trôi. Năm nay hoặc năm kia có lũ lụt hay không là điều chúng ta khó có thể dự đoán trước được, nhưng mùa mưa của Huế thì năm nào cũng có. Các nhà khoa học cần tìm ra một quy luật nào đó để khuyến cáo bà con trong sản xuất, nuôi trồng. Người nuôi trồng thủy sản trên đầm phá có một kinh nghiệm rất hay để chúng ta học tập. Nuôi gì thì nuôi, thả sớm thả muộn gì thì thả nhưng nhất định trước Tế thu (rằm tháng 7) là phải thu hoạch hết. Ngư dân ở nhiều vùng họ tổ chức lễ Tế thu riêng từng vùng của mình là để kết thúc một mùa vụ, trước khi nước bạc tràn về mênh mông đầm phá. Có lẽ, đây là một kinh nghiệm phải trải qua nhiều đời người dân rút ra được một bài học như vậy, cũng là để “nghỉ ngơi” sau một năm làm lụng, cũng là để tránh thiệt hại về kinh tế.

Ở khu vực nông thôn, lũ lụt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân

Bà con nông dân của chúng ta chắc chắn không phải là không biết điều này. Nhưng có lẽ nó cũng hàm chứa một điều – làm “trái vụ” thường là được giá. Có phải từ sự hy vọng này mà đến mùa mưa các lồng cá vẫn còn nuôi rất nhiều. Nhiều diện tích rau màu vẫn còn xuống giống. Nhìn cá chết trắng lồng trên ven sông Bồ và nhiều sông khác làm chúng ta không khỏi chạnh lòng. Cách làm này giống như một canh bạc – được ăn cả ngã về không. Quá mạo hiểm và hết sức rủi ro.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học đã tính toán, từ khi hệ thống đê bao mở rộng việc xây dựng, diện tích trồng lúa cũng mở rộng theo. Lúa từ hai vụ lên làm được ba vụ. Sản lượng lúa tăng lên rất nhiều và hiệu quả kinh tế cũng tăng theo. Nhưng chỉ được một giai đoạn đầu. Sau đó là đất bạc màu phải sử dụng phân hóa học nhiều hơn. Dịch bệnh phát sinh nên cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Nói tóm lại là đầu vào cho sản xuất tăng nhưng giá bán ra vẫn vậy, hoặc tăng rất ít. Vậy là không phải tăng vụ là tăng thêm hiệu quả. Nó không đơn thuần là một phép cộng của bài toán, là làm một vụ lúa trên một diện tích nào đó được mười đồng thì chúng ta làm ba vụ được ba mươi đồng. Hoàn toàn không phải vậy. Những khuyến nghị phải “cho đất nghỉ” được đưa ra để cải thiện dinh dưỡng và độ màu mỡ trong thời gian qua cũng chính vì tính lại bài toán kinh tế của việc tăng vụ.

Tương tự như vậy ở Thừa Thiên Huế, những vùng trũng làm các loại rau màu, nuôi trồng thủy sản cũng cần thiết tính toán lại điều này. Nó không đơn thuần trồng một sào rau một tháng thu 3 triệu (chẳng hạn) thì 12 tháng cứ lấy thế nhân lên. Có khi làm thêm hai tháng trong mùa lũ thì giá trị kinh tế đưa lại chỉ còn quy ra được 7 - 8 tháng. Cần thiết tính toán thời gian để cho “đất nghỉ”, tái tạo lại độ màu mỡ. Và cũng để đỡ thiệt hại về kinh tế.

Trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 2682/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế” do Chính phủ Luxembourg tài trợ từ Quỹ Khí hậu Quốc tế Luxembourg (ICF).

Dự án này nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của tỉnh về tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Dự án có 6 nhiệm vụ sát thực với đời sống người dân. Tổng ngân sách dự án là 2.300.000 Euro, trong đó vốn không hoàn lại  là 2.000.000 Euro.

Tất nhiên, những mục tiêu của dự án được thực hiện là có sự cam kết hết sức cụ thể và chặt chẽ giữa bên tài trợ và bên hưởng lợi. Giá như (suy nghĩ riêng của người viết) trong đó có một mục tiêu “phác họa” được bản đồ ngập lụt của Thừa Thiên Huế (nếu kinh phí không đủ thì ưu tiên thực hiện ở các xã vùng trũng) – vùng ngập lụt, mức độ ngập lụt, thời gian ngập lụt… để rút ra một quy luật nào đó, từ đó khuyến nghị cho người dân trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Phải chăng đây cũng là một giải pháp thiết thực để người nông dân “sống chung với lũ”.

Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: HỒ NGỌC SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

TIN MỚI

Return to top