Vệ sinh bùn đất đường sá sau lũ
Tập trung thu gom rác thải
Do mực nước ngập sâu nhiều nơi, nên sau lũ, lượng rác từ các vùng cao đổ về các vùng thấp trũng, hạ lưu tương đối nhiều. Tại các cửa sông, vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, lượng rác thải, bèo tây ùn ứ khá lớn. Nhiều địa phương, đơn vị làm dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải tập trung huy động phương tiện, lực lượng ra quân làm vệ sinh môi trường.
Ông Lê Vĩnh Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch- Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT) cho biết, trận lũ đợt này tuy không lớn, nhưng khá phức tạp, kéo dài, nước lên xuống bất thường, nên công tác thu gom, vận chuyển rác thải gặp khó khăn. Trong ngày 15/12, Công ty MTĐT phải cho neo buộc các xuồng, thùng rác ở vị trí thấp trũng; cắt điện các tuyến đường và một số tuyến kiệt ngập nước trên địa bàn TP.Huế. Do nước ngập sâu nên địa bàn thu gom rác thực hiện được chỉ khoảng 60% tại một số vùng thấp ở phường Thuận Lộc, Phú Cát, Phú Hậu, Phú Hiệp, Tây Lộc, Thuận Hòa, Xuân Phú, Vỹ Dạ và các tuyến đường Hùng Vương, Đống Đa, Nguyễn Công Trứ…
Đến ngày 18/12, công tác thu gom rác thải, vệ sinh bùn đất trên địa bàn TP.Huế cơ bản đảm bảo. Ngoài địa bàn TP.Huế, Công ty MTĐT Huế phụ trách thu gom, vận chuyển rác thải tại các phường thuộc thị xã Hương Trà, các phường và 1 xã của thị xã Hương Thủy và đảm nhận khâu vận chuyển tại địa bàn huyện Phú Lộc. Trung bình ngày thường, lượng rác thu gom trên địa bàn TP.Huế từ 230- 240 tấn/ngày, nếu kể toàn tỉnh trong phạm vi công ty thu gom khoảng 330 tấn/ngày.
Đến thời điểm này, nước lũ cơ bản đã rút, nhiều địa phương các vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy đã huy động lực lượng ra quân thu dọn vệ sinh, vớt bèo, khơi thông cống rãnh, đảm bảo đường sá đi lại…
Tiêu độc khử trùng
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, trận lũ giữa cuối tháng 12 vừa qua không gây thiệt hại nhiều về chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Do đó, tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do gia súc, gia cầm chết không đáng quan ngại. Dù thiệt hại về lúa, cây hoa màu, nhưng trận lũ muộn lần này góp phần tống khứ sâu rầy, chuột bọ, làm sạch ruộng đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không chăn thả, cần đắp nền chuồng, giữ ấm và dự trữ thức ăn tinh cho trâu, bò. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát, giám sát dịch bệnh để kịp thời khống chế, xử lý nếu xảy ra sự cố. Đề phòng nguy cơ sau lụt, gia súc, gia cầm thường giảm sức đề kháng, dễ sinh bệnh, nhất là về đường ruột và các bệnh giao mùa. Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, trước khi xảy ra lũ, đơn vị đã cấp phát 2 đợt gồm 10 tấn hóa chất benkocid cho các địa phương để chủ động tiêu độc. Trên cơ sở đó, tổ chăn nuôi thú y cấp xã phối hợp với thôn tiêu độc khử trùng, đồng thời chủ động kế hoạch phòng bệnh tại từng đơn vị, địa phương, cá nhân… Chi cục sẽ xin thêm hóa chất, vắc xin từ Trung ương để phòng bệnh sau lụt.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN