Số liệu thống kê cho thấy, thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. (Ảnh minh họa). Ảnh: MQ
Tuy nhiên, nhìn trong bức tranh tổng thể, có thể nhận thấy tác động một cách đáng quan ngại đến lao động việc làm. Số liệu từ nguồn đã dẫn cũng cho thấy, trong quý I năm 2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 ngàn người so với quý trước và giảm 177,8 ngàn người so với cùng kỳ năm trước (trong tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi này là 51 triệu người). 68,7% là ước tính về tỷ lệ tham gia lao động trong quý này, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ so sánh giữa tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của khu vực thành thị và nông thôn là 66,7%, và 69,9%.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 41,2%; nông thôn: 48,0%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 35,0%; nông thôn: 47,9%). Điều này phản ánh đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao khi người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn, cũng như rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.
Ngăn chặn và kiểm soát dịch có hiệu quả là tác động lớn nhất đã làm cho tỷ lệ lao động có việc làm trong quý 2 và quý 3 của năm 2020 tăng 50,9 triệu người, gần đạt mức trước có khi dịch COVID-19. Tuy nhiên, con số này đã không thể duy trì được trước áp lực khá nóng của việc bùng phát dịch bệnh ở diện rộng hơn, lớn hơn ở Hải Dương vào đầu năm 2011. Hệ quả kép do tác động phức tạp của dịch bệnh đã làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động. Lao động có việc làm dừng lại ở con số 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cũng kỳ năm trước.
Những ngày đầu quý 2 này, dù chưa nhiều nhưng thị trường lao động đã có tín hiệu phục hồi trở lại. Mùa du lịch nội địa với lượng khách có xu hướng đi du lịch nhiều hơn, xa hơn nơi mình sống là một trong những tác nhân quan trọng trong khu vực dịch vụ, cũng như các ngành nghề liên quan. Bên cạnh những cơ chế chính sách và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để phục hồi nền kinh tế, việc tiêm vắc xin đã bắt đầu được triển khai ở Việt Nam, việc xây dựng tiêu chí và cơ chế cho hộ chiếu vắc xin để đón du khách quốc tế cũng đặt ra những kỳ vọng lớn cho việc phục hồi thị trường lao động.
Nguyễn Lê An