ClockThứ Ba, 23/04/2019 18:19

Thông qua 11 nghị quyết thể chế hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

TTH - Ngày 23/4, sau thời gian làm việc nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ 3 của HĐND tỉnh đã hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra. Tham dự có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Thêm nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội

HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp

Nhiều chủ trương lớn được thông qua

HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 11 nghị quyết quan trọng của kỳ họp. Đáng chú ý là các nghị quyết về dự án kè chống sạt lở dọc sông Hương khoảng 21km với tổng kinh phí 340 tỷ đồng; tu bổ, phục hồi Hải Vân Quan của 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng với tổng kinh phí 43 tỷ đồng; phục hồi, sửa chữa 9 nhà cổ ở Phước Tích (Phong Điền) với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng.

Thảo luận về việc phục hồi, sửa chữa 9 ngôi nhà cổ ở Phước Tích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng, đây là một chính sách hợp lòng dân, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các nhà vườn truyền thống đặc trưng của vùng đất Cố đô. Tuy nhiên, hiện đa số các nhà vườn tại làng cổ Phước Tích chỉ có người trông nhà giúp, không có chủ nhân sở hữu trực tiếp ở, một số nhà chỉ có người cao tuổi ở, nên sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý, trùng tu và khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng. “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phong Điền cần làm việc với chủ nhân nhà vườn để có giải pháp cụ thể về hỗ trợ trùng tu, quản lý và khai thác phát huy giá trị của nhà vườn về lâu dài; tránh tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí và quan trọng là tạo nguồn để nuôi dưỡng các giá trị nhà cổ vốn có”- ông Phan Thiên Định nói.

Ngoài ra, phương án “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi sắp xếp lại, xử lý tài sản công được dư luận quan tâm. Theo đó, các cơ sở nhà, đất thuộc cấp tỉnh có 24 hạng mục gồm 65.478m2 đất và 30.835m2 nhà; TP. Huế, Phú Vang, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới có 60 cơ sở gồm hơn 50.000m2 đất và 6.600m2 nhà ở. Theo HĐND tỉnh, việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo phương án: “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh là cơ sở quan trọng để hình thành các quỹ nhà, đất có vị trí sinh lợi, lợi thế kinh doanh cao và có nhiều tiềm năng lớn nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo trên đường Lê Lợi thuộc phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất

19,3 triệu USD phát triển rừng ven biển

Theo Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển được HĐND tỉnh thông qua, tỉnh sẽ dành nguồn lực 19,3 triệu USD (vốn vay ưu đãi 15,1 triệu USD, vốn đối ứng 4,2 triệu USD) để cải thiện quản lý rừng ven biển nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng của vùng ven biển của tỉnh tại 32 xã thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX. Hương Trà.

Đề án được kỳ vọng sử dụng các tiếp cận tiên tiến để tăng cường công tác quy hoạch không gian rừng ven biển; tổ chức quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên; áp dụng các biện pháp lâm sinh trong việc trồng, chăm sóc và quản lý rừng hiệu quả để tăng khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan; tạo các cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tham gia quản lý và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên hiện có.

Thẩm tra của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, hệ thống rừng ven biển vẫn còn những bất cập, chất lượng rừng trồng ở một số đoạn bờ biển suy giảm, mật độ không bảo đảm do bão lũ và người dân khai thác. Cùng với đó, diện tích rừng bị mất một phần hoặc toàn bộ do hiện tượng cát bay; rừng phòng hộ ở cửa sông và đầm phá chưa có hoặc ít do yếu tố lập địa không phù hợp và chưa đủ nguồn đầu tư, giải pháp kỹ thuật chưa mang tính bền vững. Do vậy, việc huy động nguồn lực để đầu tư, thực hiện Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển của tỉnh là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Sớm cụ thể hóa các nghị quyết

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hoàng Ngọc Khanh (nghỉ hưu theo chế độ) và bỏ phiếu bầu bổ sung Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Thị Hoài Trâm vào Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2020.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua 11 nghị quyết quan trọng, kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Để thực hiện tốt các quyết sách HĐND tỉnh đã quyết định, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh nhanh chóng ban hành các quyết định cụ thể hóa các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua để triển khai thực hiện. Đề nghị Thường trực, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với MTTQ các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

HĐND tỉnh đã bàn và thông qua Nghị quyết về chủ trương chuyển loại rừng, diện tích rừng phòng hộ chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất tổng diện tích 1.016 ha (trong đó, Phú Vang 317ha, Hương Trà 43ha, Phong Điền 608ha, Hương Thủy 34ha, Phú Lộc 11ha); diện tích rừng sản xuất chuyển sang quy hoạch rừng phòng hộ 132 ha ở huyện Phú Lộc.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top