ClockThứ Ba, 03/07/2018 08:00

Thủ tướng: Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn

TTH.VN - Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương hôm nay (2/7), Thủ tướng cảnh báo sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn và yêu cầu, không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ.

Hôm nay diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc, quán triệt Nghị quyết T.Ư 7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đánh giá cao những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, nhưng quán tính, động năng tăng trưởng đang giảm đi (từ 7,45% của quý I đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng).

Cần bổ sung động năng tăng trưởng

Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm, Thủ tướng nêu rõ: “Cần đặt ra động lực, động năng tăng trưởng của Việt Nam là gì trong quý III, IV này và năm 2019 sắp đến” và nhấn mạnh: “Bây giờ không chuẩn bị thì không chạy kịp”.

Thủ tướng bày tỏ: “Đất nước có phát triển nhiều mặt nhưng thu nhập bình quân đầu người tính trên GDP còn thấp như vậy, chưa phải là tự hào của người lãnh đạo. Phải trăn trở điều này để chúng ta đào sâu suy nghĩ, tìm giải pháp mới”.

Do đó, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng bởi tuy không phải cuộc họp đánh giá giữa nhiệm kỳ nhưng thực tế, đã đi được một nửa thời gian nhiệm kỳ. Việc đánh giá nội dung tại phiên họp cần cái nhìn xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Những điều mừng phải được khẳng định, điều lo cần suy nghĩ sớm.

Thủ tướng phân tích, về điều mừng, bên cạnh năng lực sản xuất gia tăng là tăng trưởng đạt mức cao, kinh tế vĩ mô ổn định. Động lực xuất khẩu luôn mạnh mẽ, đã xác lập đỉnh cao mới. Khu vực dân doanh phát triển mạnh.

“Sáng nay, tờ Nikkei, Nhật Bản đã đăng 2 tin, thứ nhất là số lượng việc làm của Việt Nam tăng với mức độ kỷ lục còn chỉ số PMI thể hiện ngành sản xuất, của Việt Nam tiếp tục phục hồi tốt trong khi cả ASEAN giảm từ 51,4 điểm xuống 51 điểm”, Thủ tướng cho biết. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay đạt 6,8%, lạm phát ở mức 4%. ADB nhận định tăng trưởng của Việt Nam là 7,1%...

Do đó, để có kết quả này, theo Thủ tướng, “ta phải hành động để đáp ứng niềm tin của nhân dân” trong bối cảnh, chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức như sức ép lạm phát, giải ngân chậm, tái cơ cấu kinh tế chưa chuyển biến nhiều về chất, nợ công còn ở mức cao…

Phải xem lại động lực tăng trưởng, không chỉ để chỉ đạo kế hoạch năm 2018 tốt nhất mà còn chuẩn bị những động lực tăng trưởng mới cho thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng thông tin, có ý kiến nêu vấn đề về chu kỳ khủng hoảng 10 năm đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên sau khi xem xét các yếu tố thì có thể khẳng định không có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm lặp lại.

Thủ tướng nhấn mạnh việc làm rõ trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, tập đoàn, tư lệnh ngành, lĩnh vực trong việc bảo đảm tăng trưởng, “ngành anh, đơn vị anh được giao sản lượng như vậy mà không hoàn thành thì có còn làm chủ tịch tập đoàn nữa không. Mình cứ nói chung chung, bắn chỉ thiên lên trời, còn trách nhiệm cá nhân không cụ thể rõ thì làm sao làm được”.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần về thể chế, chính sách trong chỉ đạo, điều hành là chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì những gì đang cản trở người dân bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh, những gì đang cản trở sức sản xuất thì cần phải dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Tối hậu thư” về cắt giảm điều kiện kinh doanh

Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của đất nước. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân.

“Tôi nói vấn đề này để các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ, làm sao khắc phục được những nguyên nhân này để đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn”.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ. Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và dân doanh cần chú ý điều này.

Môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh hơn với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin và công tác đánh giá cán bộ. Tránh tình trạng “cán bộ mà cứ ôm vào mình quyền lợi không chính đáng”.

Hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Sức ỳ của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.

Thủ tướng nêu rõ, không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn.

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh nhưng đến hết quý II/2018, có 378 điều kiện kinh doanh trên hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, chỉ bằng khoảng trên 13%. Mặc dù ngày 31/10/2018 là thời hạn Chính phủ yêu cầu ban hành đủ các nghị định về cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh hiện có nhưng đến nay mới có Bộ Công Thương có nghị định và Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định. Còn các bộ, ngành khác đang xây dựng hoặc chưa xây dựng. Yêu cầu cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018 nhưng các bộ chưa quyết liệt triển khai, kết quả còn rất hạn chế. “Vẫn còn thời gian để các đồng chí khắc phục”, Thủ tướng nêu rõ. Các bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 15/8/2018 để bảo đảm thời hạn. Nội dung sửa đổi phải bảo đảm cắt bỏ thực chất quy định về điều kiện kinh doanh, phải rõ ràng, tránh tình trạng có thể hiểu và thực thi theo nhiều cách mà phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, còn phần sai do doanh nghiệp, người dân.

Nhắc việc từ ngày 1/7, có 9 luật bắt đầu có hiệu lực, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành áp dụng pháp luật đúng đắn, nhất là rà soát lại các luật quy định về điều kiện kinh doanh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý cụ thể.

Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề. Trước hết về công tác truyền thông, phải tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, tin đồn, bịa đặt, vu khống; xử lý nghiêm các vi phạm.

Phải tăng cường bảo đảm an ninh trật tự. Cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội. Có phương án bảo đảm cung ứng điện khu vực phía nam vào năm 2020, không để “nước đến chân mới nhảy”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ tịch của 28 tỉnh có biển cần có biện pháp hiệu quả chống đánh bắt cá trái phép và chịu trách nhiệm về vấn đề này trước Thủ tướng, đừng để “thẻ vàng thành thẻ đỏ”.

“Đã hai năm rưỡi trôi qua, tức một nửa nhiệm kỳ, nhân Hội nghị 6 tháng đầu năm này, tôi đề nghị từng thành viên Chính phủ nên đánh giá lại ngành mình, từng Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng chống tham nhũng và lợi ích nhóm”, Thủ tướng nói.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Việt Nam - UAE ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện

Theo Đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), chiều 28/10 (giờ địa phương), tại thành phố Dubai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum.

Việt Nam - UAE ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp ngắn 3 nhà lãnh đạo Kazakhstan, Turkmenistan và Ethiopia

Tối 23/10, theo giờ địa phương, trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp ngắn Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp ngắn 3 nhà lãnh đạo Kazakhstan, Turkmenistan và Ethiopia
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Kazan bắt đầu tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng

10 giờ 30 phút sáng 23/10 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kazan (Liên bang Nga), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024, trong hai ngày 23 và 24/10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Kazan bắt đầu tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
Return to top