Cải cách hành chính (CCHC) là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trên bình diện chung toàn quốc, Thừa Thiên Huế đã tạo nên dấu ấn đậm nét, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung, dù vậy trên con đường để khẳng định, duy trì và hướng đến thương hiệu từ CCHC vẫn còn lắm gập ghềnh.
Thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cao hay thấp không phải là đích đến mà sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) mới là mục tiêu cuối cùng. Những thành quả mà tỉnh gặt hái được trong chặng đường vừa qua là đáng ghi nhận, song, phải gạt bỏ những trở lực hiện hữu. Bởi, đó chính là rào cản cho mục tiêu vươn xa.
Thừa Thiên Huế đang khẳng định vị thế là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về CCHC và quản trị công. Nhìn từ các chỉ số như PAPI, PCI, SIPAS và PAR INDEX, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn đối mặt với những thách thức lớn; vẫn còn một số nội dung đánh giá của tỉnh qua các năm chưa có tính ổn định và kết quả giảm so với năm trước.
Điều này có thể dẫn chứng, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, quản trị điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công. Nội dung này là cơ sở giúp chính quyền xem xét điều kiện khả thi cho việc phát triển chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền chủ động tương tác với người dân qua nền tảng internet trong cả ba khâu: xây dựng, thực thi và giám sát thực thi chính sách. Tuy nhiên, đối với PAPI, chỉ số thành phần này của tỉnh tiếp tục là nội dung có điểm số thấp nhất trong tất cả 8 nội dung. Điều này cho thấy, việc tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương chưa được cải thiện.
|
Người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến
|
Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công – Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, dù đã có một số tiến bộ về sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số khác, nhưng điểm số tổng thể vẫn còn khá thấp. Điểm số cao nhất của toàn quốc cho quản trị điện tử chỉ đạt khoảng 3,97 điểm và Thừa Thiên Huế chỉ đạt 3,33, vẫn nằm trong mức thấp.
Trong các năm từ 2021 đến 2023, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở giảm đáng kể. Những phần như, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu chi ngân sách cấp xã và điều kiện tiếp cận thông tin vẫn còn yếu kém. Thực trạng này thể hiện qua việc các phản hồi từ người dân về các kênh tiếp cận thông tin vẫn rất hạn chế, và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương cũng chưa cao.
|
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh
|
“Thừa Thiên Huế đã có những cải thiện tích cực trong một số lĩnh vực như kiểm soát tham nhũng và cung cấp dịch vụ công, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, đặc biệt là trong quản trị điện tử và quản trị môi trường. Việc giám sát thực địa và cải thiện tính minh bạch trong quản lý sẽ là những yếu tố quan trọng giúp Thừa Thiên Huế đạt được những kết quả tốt hơn trong tương lai”, bà Huyền nói.
Liên quan đến chỉ số PCI, dù Thừa Thiên Huế đã có nhiều thành công, nhưng vẫn còn những lĩnh vực mà tỉnh cần chú trọng cải thiện. Trong 6 chỉ số giảm hạng, có 2 chỉ số giảm điểm, đó là chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 16/63, giảm 1 bậc; chỉ số đào tạo lao động xếp thứ 19/63, giảm 4 bậc. Giảm mạnh nhất là chỉ số cạnh tranh bình đẳng, giảm 38 bậc, xếp thứ 42/63 cả nước; theo sau là chỉ số thiết chế pháp lý & an ninh trật tự giảm 13 bậc, xếp thứ 17/63 cả nước.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh
|
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký và Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiêp Việt Nam (VCCI) nhận xét: Thừa Thiên Huế vẫn còn hai lĩnh vực quan trọng chưa đạt được kết quả như mong đợi, đó là chính sách hỗ trợ DN và cạnh tranh bình đẳng. Chính sách hỗ trợ DN nếu được cải thiện, sẽ giúp các DN nhỏ và vừa có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Tương tự, việc thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ông Tuấn cũng chỉ rõ, trong chỉ số PCI 2023 vẫn có những chỉ số thành phần mà Thừa Thiên Huế chưa nằm trong nhóm cao như, chính sách hỗ trợ DN, cạnh tranh bình đẳng. “Đây là hai lĩnh vực duy nhất trong 10 lĩnh vực mà qua kết quả điều tra vừa rồi có vị trí nằm giữa hoặc sau bảng xếp hạng”, ông Tuấn thông tin.
Nhiều nỗ lực, nhiều thành quả, tuy nhiên công tác CCHC của Thừa Thiên Huế vẫn tồn tại những “vết gợn” không đáng có. Dân chưa hài lòng, DN còn lắm tâm tư là những “nút thắt” cần được cởi bỏ.
Trong một lần trao đổi, ông Phạm Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh đã chia sẻ những trăn trở về hoạt động của trung tâm, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực chất lượng tại bộ phận một cửa.
|
Hội thi tìm hiểu công tác cải cách hành chính được UBND tỉnh tổ chức hàng năm để nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính
|
Ông Trí cho rằng, có những đơn vị chưa thật sự chú trọng đến việc phân công cán bộ có năng lực, chuyên môn để làm việc trực tiếp với người dân và DN. Thay vì cử những cán bộ trẻ, nhiệt huyết và am hiểu về quy trình, nhiều cơ quan lại điều động những người sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc những cán bộ không có đủ chuyên môn vào vị trí này chỉ để đối phó với yêu cầu nhân sự.
Điều này dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong việc xử lý hồ sơ, giấy tờ. Những cán bộ thiếu chuyên môn không nắm rõ các quy định pháp luật, từ đó không thể xác định được đâu là giấy tờ đúng, đâu là sai, và cũng không biết cách hướng dẫn người dân và DN một cách chính xác. Hậu quả là nhiều trường hợp tư vấn sai lệch, hoặc phải tư vấn đi tư vấn lại nhiều lần, khiến quá trình giải quyết hồ sơ bị kéo dài, tạo ấn tượng không tốt cho người dân.
|
Hướng dẫn người dân huyện Nam Đông sử dụng dịch vụ công trực tuyến
|
“Tình trạng này không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động của trung tâm, mà còn làm suy giảm lòng tin của người dân và DN vào cơ quan nhà nước. Để cải thiện tình hình, cần có sự quan tâm đúng mức từ các cơ quan liên quan, đảm bảo bộ phận một cửa được vận hành bởi những cán bộ có đủ năng lực và chuyên môn. Chỉ khi đó, việc rà soát, xử lý hồ sơ mới có thể đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và DN trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC)”, ông Trí nhấn mạnh.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thẳng thắn: Hiện, TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt các TTHC nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm dẫn đến việc giải quyết còn qua nhiều tầng nấc trung gian; DN không được tư vấn cụ thể, làm đi làm lại thủ tục, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện.
|
Quét mã QR tại trụ sở UBND xã Quảng Thọ để làm thủ tục hành chính
|
“Công tác công khai, minh bạch TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện TTHC một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng làm khó DN, đặt thêm thủ tục ngoài quy định làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý”, ông Dương Tuấn Anh nhận định.
Tại Thừa Thiên Huế, số lượng DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ đang chiếm số lượng lớn. Dù vậy, bộ phận DN này dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, nhiều DN đang gặp khó trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập cho DN.
Chia sẻ tại hội thảo “Phát huy vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới” vừa tổ chức, ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Các DN đang cần những nhóm chính sách hỗ trợ chung như, hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý…
|
Tập huấn trang bị kỹ năng cho doanh nghiệp
|
“Chúng tôi mong muốn tỉnh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà, phục vụ tốt cho người dân, DN trong quá trình kinh doanh… Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ thông tin để nâng cao năng suất lao động; tạo điều kiện để các DN trên địa bàn tỉnh tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển; nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình, tiếp cận về vốn, tài chính, chính sách, mặt bằng... xây dựng thương hiệu sản phẩm; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ DN vượt khó khăn, phục hồi, phát triển”, ông Đức bày tỏ.
|
Doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được tiếp cận nhiều chính sách ưu đãi để mở rộng sản xuất
|
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký và Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhìn nhận: “Chúng ta đều có chính sách nói rằng phải quan tâm, hỗ trợ DN vừa và nhỏ; đồng thời Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ 1/1/2018, nhưng thực sự chương trình thực tế có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này chưa nhiều. Hay đơn giản nhìn trong lịch làm việc của lãnh đạo tỉnh, thành phố, kể cả cấp huyện, thị, thì thường rất hiếm khi có lịch làm việc với nhóm DN này mà thường là với tập đoàn này, nhà đầu tư nước kia. Quan tâm nhiều hơn tới các DN vừa và nhỏ cần phải là ưu tiên trong chính sách và hành động của các chính quyền địa phương”.
>> Kỳ 3: Hướng đến sự phát triển bền vững và hiệu quả
Nội dung: HẢI THUẬN
Ảnh: HẢI THUẬN - CTV
Thiết kế: NGUYỄN QUÂN