Theo báo cáo của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, hiện nay đang xảy ra tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, trong đó phần lớn là lao động nữ.
Kết quả khảo sát ở một số khu công nghiệp cho thấy có hơn 80% phụ nữ trên độ tuổi 35 làm việc trong các khu công nghiệp buộc nghỉ việc hoặc bỏ việc với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Cũng theo báo cáo, hiện nay chất lượng lao động nữ còn chưa ổn định, thiếu bền vững do họ thường tập trung trong các lĩnh vực có chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững không cao.
Nhiều lao động trên 35 tuổi đang bị doanh nghiệp sa thải ngày càng tăng (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề trên đang được Chính Phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp can thiệp bảo vệ người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Đề cập về vấn đề này, ông Đào Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động xã hội (Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc cho lao động trên 35 tuổi nghỉ việc đang diễn ra tại các dây chuyền sản xuất đòi hỏi sức khỏe, kỹ năng cao, nhưng lại không yêu cầu tay nghề.
Việc tuyển lao động trẻ đáp ứng được yêu cầu sản xuất của công ty tốt hơn do nhóm lao động này có sức khỏe tốt, khả năng chịu đựng sức ép công việc cao.
Ngoài ra, mức lương trả cho lao động trẻ cũng thấp hơn, do đó giảm mức đóng hiểm xã hội, giúp doanh nghiệp giảm chi phí về lao động. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi khiến các doanh nghiệp tìm cách sa thải lao động.
Theo ông Vinh, vấn đề sa thải lao động trên 35 tuổi sẽ tác động lớn tới các vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội. Cụ thể trong quý 2/2017, cả nước có 218.999 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 113,9% (116.632 người) so với cùng kỳ năm 2016.
Để đảm bảo quyền lợi, người lao động cần có các biện pháp để nghiên cứu và đưa ra giải pháp. Người lao động cũng cần tự trang bị cho mình những kỹ năng, tay nghề cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và sự chuyển biến của nền kinh tế, xã hội.
Người lao động cần biết bảo vệ mình
Bên hành lang Quốc hội, ông Trương Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau nhận định, vì cuộc sống mưu sinh, khi sức khỏe còn dồi dào, tuổi còn trẻ, nhiều người đã chấp nhận yêu cầu của doanh nghiệp là làm thêm giờ, tăng ca.
Tuy nhiên, đến độ tuổi khoảng từ 35 tuổi trở lên, sức khỏe của lao động bắt đầu giảm sút. Khi đó, nhiều doanh nghiệp thường lấy tăng trưởng năng suất lên hàng đầu, thấy lao động ở độ tuổi này không còn làm việc đạt năng suất cao như lúc có sức khỏe thì bắt đầu sa thải họ. Như vậy, người lao động đang bị thiệt thòi.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng
Hiện nay, không riêng ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhiều lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp khác đến độ tuổi từ 35 tuổi trở lên đều bị sa thải vì không làm được những công việc đặc thù. Ví dụ như cậy mủ cao su, nhiều lao động nữ không còn sức khỏe để làm nữa...
Theo ông Trương Minh Hoàng, chủ doanh nghiệp có quyền chọn lựa, tuyển dụng lao động vào làm việc. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động cần phải tính toán, xem xét cam kết việc làm một cách rõ ràng.
Ví dụ như, người lao động cần phải tìm hiểu rõ, nếu như năm nào người lao động cũng làm tốt nhiệm vụ mà doanh nghiệp giao thì quyền lợi sẽ được hưởng lợi như thế nào, chế độ hưởng bảo hiểm ra sao. Trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động như thế nào...
Người lao động có thể tìm hiểu quyền lợi làm việc thông qua tổ chức công đoàn của doanh nghiệp. Nếu người lao động làm việc quá thời gian quy định mà không nghĩ đến các hoạt động nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thì sức khỏe sẽ giảm sút mạnh. Vì vậy, trong quá trình làm việc, người lao động cũng phải nghĩ đến việc tái tạo sức làm việc để có điều kiện chăm sóc cho gia đình và bản thân.
Theo VOV