Bà Nguyễn Thị Tâm vợ CCB Lê Văn Thiệp luôn xem các du học sinh Lào như con cháu trong nhà
Những kỷ niệm không bao giờ quên
Cầm bó hoa tươi thắm trên tay cùng tiếng nói cười tíu tít, Phet Chinda (sinh viên năm 3, chuyên ngành Dược, Trường đại học Y Dược Huế) nhanh nhẩu: “Xong giờ học là chúng con chạy về ngay để còn kịp phụ bà nấu cơm, bởi bữa nào tới cơm canh cũng đã dọn sẵn lên mâm, chỉ việc ăn không à! Mà hôm nay 20/10, con chúc bà thật nhiều sức khỏe, sống lâu trăm tuổi”. Vui vẻ đón lấy bó hoa, bà Nguyễn Thị Tâm (76 tuổi) vợ CCB Lê Văn Thiệp (86 tuổi) tiếp lời: “Thôi thì vào đây, bà dạy cho mấy đứa nấu đồ ăn Việt”. Tiếng trò chuyện, cười đùa của mấy bà cháu làm cho cả gian bếp náo nhiệt, rôm rả hẳn lên.
Khi mới nhận học bổng qua Việt Nam học, một vài câu tiếng Việt, Phet Chinda cũng chưa biết. Nghe nhà trường thông báo sẽ có các CCB quân tình nguyện Việt – Lào nhận đỡ đầu, giúp đỡ du học sinh, Phet Chinda rất mừng và đăng ký ngay. “Lúc trước chưa rành đường, cứ khi nào được nghỉ học là ông lại lên ký túc xá đón em về nhà chơi, ăn cơm. Những bữa cơm ấm cúng cùng gia đình giúp em vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Tiếng Việt của em cũng đã cải thiện rất nhiều khi thường xuyên được tiếp xúc, trò chuyện với ông bà. Em may mắn khi được nhận đỡ đầu ngay từ khi vừa vào nhập học. Hy vọng sẽ có nhiều du học sinh Lào được các ông bà, bố mẹ CCB nhận đỡ đầu như em”, Phet Chinda bộc bạch.
Bằng vốn tiếng Việt phong phú, lưu loát, Amanh Aphonesy (sinh viên năm 3, chuyên ngành bác sĩ đa khoa) chia sẻ: “Là sinh viên năm nhất vừa bận học chuyên ngành, vừa bận học tiếng nên ở ký túc xá cũng không ai có ý định tổ chức đón Tết truyền thống Lào. Ấy vậy mà vừa mới đi học về, đã thấy các ông và bố đỡ đầu có mặt ở sân ký túc xá trang trí, tổ chức Tết cho bọn em. Không đợi lâu hơn nữa, tất cả ùa xuống sân, cùng nắm tay nhau hát, nhảy múa rộn ràng theo điệu nhạc truyền thống của quê hương. Vừa bất ngờ vừa xúc động, đó chính là kỷ niệm mà em sẽ không bao giờ quên trong quãng thời gian sinh sống và học tập ở Việt Nam. Đối với các du học sinh năm đầu, tất cả đều khó khăn từ giao tiếp, học tập cho tới việc thích nghi văn hóa. Chính gia đình đỡ đầu là chỗ dựa giúp em hòa nhập với cuộc sống mới, luôn sát cánh động viên em vượt qua mọi khó khăn”.
Trong cuộc trò chuyện với các du học sinh Lào, tôi luôn cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà các em dành cho những người đỡ đầu, như một thứ tình cảm của những người thân thích, ruột thịt trân trọng dành cho nhau.
Xem du học sinh Lào như người nhà
Ban liên lạc quân tình nguyện Việt – Lào hiện có 82 hội viên. Ngoài phong trào bảo trợ cho du học sinh Lào, hội có nhiều hoạt động xã hội như: gây quỹ giúp đỡ gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà nhân dịp lễ, Tết cho các gia đình thương binh liệt sĩ.
|
Chia sẻ về ý tưởng nhận bảo trợ, đỡ đầu cho du học Lào tại Huế, CCB Nguyễn Đức Thuận, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện Việt – Lào tại Huế cho biết: Khi chúng tôi chiến đấu ở Lào, người dân Lào coi bộ đội Việt Nam như con vậy. Chính sự đùm bọc, cưu mang của Nhân dân Lào đã góp phần tạo nên những chiến thắng của bộ đội ta. Do đó, khi tham gia Ban liên lạc quân tình nguyện Việt – Lào, tôi đã cùng một số CCB liên hệ với Trường cao đẳng Sư phạm Huế nhận bảo trợ các cháu du học sinh. Chỉ là muốn góp chút sức lực giúp các cháu vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn, là chỗ dựa tinh thần cho các cháu khi phải học tập xa quê hương. Tùy điều kiện, mỗi CCB có thể bảo trợ một đến hai cháu. Từ hoạt động tự phát, đến tháng 4/2016, Ban liên lạc quân tình nguyện Việt - Lào chính thức tổ chức ngày hội bảo trợ du học sinh Lào. Đến nay, đã có 27 du học sinh Lào được gia đình các CCB nhận bảo trợ, đỡ đầu.
Khi nói về các em du học sinh Lào, CCB Đinh Xuân Long tâm sự: “Tôi cũng đã nhận đỡ đầu hai cháu du học sinh suốt 3 năm nay, các cháu hiền và ngoan lắm. Dịp lễ, Tết hay các sự kiện quan trọng trong gia đình đều có các cháu cùng tham gia. Mọi người trong nhà ai cũng yêu quý và xem các cháu như người thân”.
Chính từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực, những CCB quân tình nguyện Việt-Lào đã và đang là cầu nối giao lưu văn hóa, tinh thần hữu nghị thủy chung, son sắc của hai nước.
Bài, ảnh: THANH THẢO