Khởi công “Mái ấm Công đoàn”
Chúng tôi có dịp theo chân những người lao động (NLĐ) tham quan vùng trồng rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong được hình thành trên cơ sở nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn của LĐLĐ tỉnh tại xã Bình Thành (TX. Hương Trà). Những rừng cây 2 năm tuổi xanh tốt, được chăm sóc tỷ mỉ, hy vọng mang lại nguồn thu nhập khá khi khai thác. Anh Phan Thế Sơn, công nhân công ty cho biết, anh và nhiều anh em khác được công đoàn tạo điều kiện vay vốn từ quỹ để góp vốn cùng công ty trồng rừng. Hầu hết các trường hợp được vay đều có hoàn cảnh khó khăn, đây là cơ hội tốt để NLĐ phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Viết Thọ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong thông tin, công ty có chính sách kêu gọi đoàn viên công đoàn tham gia góp vốn trồng rừng nhưng nhiều đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn không đủ tài chính. Nắm bắt được điều này, công ty đã đề xuất với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và LĐLĐ tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn. Sau hai đợt, đã có 20 đoàn viên được vay vốn với số tiền 10 triệu đồng/người.
Cũng là trường hợp được Quỹ Trợ vốn LĐLĐ tỉnh hỗ trợ, ông Huỳnh Văn Bường, nhân viên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tâm sự, gia đình thuộc diện cận nghèo, căn nhà ở bao nhiêu năm nay đã xuống cấp trầm trọng. Được Quỹ Mái ấm Công đoàn hỗ trợ 35 triệu đồng nhưng việc xây nhà vẫn nằm ngoài khả năng do không đủ kinh phí, nay nhờ số tiền vay 20 triệu đồng từ Quỹ trợ vốn đã giúp vợ chồng ông hoàn thành được căn nhà mơ ước bấy lâu nay.
Ông Ngô Châu Phương, Giám đốc Quỹ Trợ vốn cho CNLĐ nghèo LĐLĐ tỉnh cho biết, mục đích ban đầu của quỹ là cho vay vốn giúp NLĐ sửa chữa, xây dựng nhà ở và mua sắm phương tiện sinh hoạt. Sau thời gian thực hiện, quỹ mở rộng hoạt động hỗ trợ NLĐ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Hiện nay, quỹ đã có các thêm mô hình mới như: kết hợp với Quỹ Mái ấm Công đoàn của LĐLĐ tỉnh giải quyết cho các trường hợp được hỗ trợ Mái ấm Công đoàn vay 20 triệu đồng/người, góp phần giúp NLĐ ổn định cuộc sống; kết hợp với Công đoàn các cấp triển khai dự án hỗ trợ NLĐ có thêm nguồn vốn đầu tư trồng rừng (các dự án tại công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), phát triển sản xuất chăn nuôi trồng trọt tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình (dự án tại LĐLĐ huyện Nam Đông, huyện A Lưới...). Qua 3 năm triển khai, Quỹ Trợ vốn đã thực hiện 114 dự án cho 1.550 đối tượng vay, với tổng số tiền giải ngân gần 24,5 tỷ đồng.
Năm 2018, Quỹ Trợ vốn giải ngân hơn 3,6 tỷ đồng với 16 dự án cho 181 cá nhân vay vốn và chuyển sang hoạt động theo mô hình dự án tài chính vi mô, có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
|
Năm 1994, LĐLĐ tỉnh đã thành lập “Quỹ Trợ vốn cho CNLĐ nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập”, với số vốn gần 700 triệu đồng được đông đảo CNLĐ trên địa bàn tỉnh đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, quy mô quỹ còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của CNLĐ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về nhân rộng mô hình Quỹ Trợ vốn, tháng 1/2015, “Quỹ Trợ vốn cho CNLĐ nghèo LĐLĐ Thừa Thiên Huế” chính thức được thành lập, với mục tiêu trợ giúp đoàn viên và CNLĐ nghèo vay vốn tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nguồn vốn điều lệ ban đầu của Quỹ được kế thừa và LĐLĐ tỉnh cấp bổ sung đạt trên 5,694 tỷ đồng. Nhận thấy nhu cầu vay vốn rất lớn từ CNLĐ nhưng nguồn quỹ hạn hẹp, tháng 5/2016, được sự đồng ý của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Quỹ Trợ vốn đã tiếp nhận nguồn vốn huy động từ các cấp Công đoàn trong tỉnh 4,15 tỷ đồng. Tính đến nay, nguồn vốn cho vay gần 10 tỷ đồng.
Tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn, NLĐ trả lãi suất thấp hơn so với vay từ các ngân hàng thương mại, thủ tục cũng đơn giản. “Quỹ Trợ vốn không chỉ đáp ứng nhu cầu vay vốn nâng cao đời sống của NLĐ, mà còn tạo sức lan tỏa, tác động tích cực đến nhận thức của NLĐ, từ đó có hướng tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn”, ông Ngô Châu Phương đánh giá.
Bài, ảnh: Minh Nguyên