ClockChủ Nhật, 01/05/2022 15:20

Tu bổ, tôn tạo địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

TTH - Sau gần 2 năm thi công, công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (hay còn gọi là địa đạo Khe Trái ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) gần hoàn thành. Sau khi tôn tạo, nơi đây sẽ thành địa điểm tham quan giáo dục về nguồn kết hợp du lịch sinh thái.

Hơn 6,4 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

 Đường đến các hầm trong lòng địa đạo

Căn cứ địa cách mạng

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Đây là một trong những di tích lịch sử chứng minh hùng hồn sự kiện lịch sử điển hình của quân và dân Trị Thiên Huế trong quá trình chuẩn bị, chiến đấu và kết thúc chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968.

Tháng 8/1967, ta bắt đầu đào địa đạo để đảm bảo cho Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Mặt trận Huế hoạt động. Đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Thành ủy Huế, Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế cùng đồng chí Đặng Kinh - Phó Tư lệnh Quân khu, Ủy viên Thường vụ Khu ủy tổ chức chỉ đạo đào địa đạo. Lực lượng đào địa đạo chủ yếu là đội công an bảo vệ, đào 24/24 giờ trong ngày và hoàn toàn bằng cuốc xẻng. Sau một thời gian làm việc khẩn trương, địa đạo hoàn thành và làm nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Ông Lê Ngọc Anh giới thiệu về giá trị lịch sử của địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

Ngoài trọng trách là cơ quan tối cao chỉ huy cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Trị Thiên Huế, là chiếc cầu nối giữa ý đồ chiến lược của Trung ương và thực tế chiến trường, Khu ủy Trị Thiên Huế sử dụng địa đạo như một đại bản doanh. Thời kỳ chuẩn bị và sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tại địa đạo này diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Khu ủy Trị Thiên Huế: Vào tháng 8, 10 và tháng 12/1967, Thường vụ Khu ủy và Thành ủy họp để thảo luận, quyết định các phương án tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và các kế hoạch xúc tiến cho chiến dịch. Tháng 12/1967, Thường vụ Khu ủy họp để quyết định lần cuối cùng toàn bộ kế hoạch tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường Trị Thiên Huế từ Nam sông Bến Hải đến Bắc đèo Hải Vân. Cuối tháng 2 đầu tháng 3/1968, Thường vụ Khu ủy họp để đánh giá, sơ kết chiến dịch Huế và Xuân Mậu Thân 1968. Đến đầu năm 1969, Mỹ - Ngụy sau nhiều lần tấn công ồ ạt lên miền núi huyện Hương Trà, chúng phát hiện ra địa đạo và dùng máy bay ném bom làm sập kín cả ba cửa miệng địa đạo.

Điểm tham quan giáo dục về nguồn

Trải qua thời gian, địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế bị xuống cấp. Nhằm tu bổ, tôn tạo và phục dựng lại các hạng mục của di tích, bảo tồn các giá trị lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Công trình do Bảo tàng Lịch sử làm chủ đầu tư, có kinh phí 6,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và được khởi công từ ngày 14/7/2020.

Các cựu chiến binh dâng hương tưởng nhớ đồng đội ở địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

Dự án tập trung vào các hạng mục chính để chống xuống cấp, bảo tồn và xây mới cho di tích: Phục hồi 3 cửa hầm và gia cố lòng địa đạo theo nguyên trạng; đào đất khai thông hầm, cửa hầm địa đạo đã bị sạt lở; đổ bê tông theo khuôn hình địa đạo, đắp vữa xi măng giả màu đất bên trong lòng địa đạo và láng nền.

Dự án cũng phục dựng, tôn tạo một bếp nấu ăn Hoàng Cầm của Huyện ủy (nay là Thị ủy) Hương Trà theo nguyên trạng; phục dựng lại hai hầm cảnh vệ số 1 và 3, hệ thống giao thông hào tại hầm cảnh vệ; phát quang tuyến đường từ chân đồi 160. Đồng thời, xây dựng mới các hạng mục: nhà bia tưởng niệm, biển giới thiệu di tích, chòi nghỉ dừng chân; xây mới cầu tàu ở bến thuyền tại chân đồi 160 dẫn lên địa đạo…

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nằm ở vùng đồi núi, địa hình phức tạp, muốn vào di tích phải đi qua lòng hồ Thủy điện Hương Điền nên quá trình tu bổ di tích gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho biết, bến thuyền vào mùa mưa nước ngập sâu, nằm ở dưới mực nước của lòng hồ Thủy điện Hương Điền, thời tiết buổi chiều thường có mưa giông, lốc, sét… nên quá trình vận chuyển vật tư, thiết bị cũng như thi công gặp nhiều khó khăn.

Một số hạng mục, như: Chòi nghỉ chân, bếp Hoàng Cầm, trận địa pháo… ở vị trí trên đồi cao, độ dốc lớn nên việc vận chuyển vật liệu và phương tiện để thi công cũng rất vất vả. Hơn nữa, trải qua thời gian, một số cửa vào địa đạo bị đất đá sạt lở lấp kín. Việc khơi thông các cửa địa đạo đòi hỏi phải chính xác để khỏi bị lệch vị trí, làm ảnh hưởng đến cấu tạo địa chất…

Khắc phục những khó khăn trên, đến nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục. Bảo tàng Lịch sử đang triển khai các thủ tục để nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy và các hạng mục trùng tu tôn tạo di tích theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Dự kiến, khoảng tháng 6 năm nay sẽ tổ chức lễ khánh thành và đưa công trình vào sử dụng.

Dự án tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế ngoài nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho các thế hệ, còn đáp ứng mong muốn của Nhân dân địa phương, nhất là những chiến sĩ cách mạng đã từng “nếm mật nằm gai” nơi này. Vốn là Đội trưởng Đội cảnh vệ của Huyện ủy Hương Trà, chiến đấu bảo vệ địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, ông Lê Ngọc Anh xúc động: “Là một trong những người chiến đấu ở địa đạo này, tôi rất mừng khi địa đạo được trùng tu, tôn tạo để ghi nhớ địa chỉ đỏ của cách mạng, ghi nhớ công lao của đồng chí, đồng đội đã hy sinh ở nơi này. Suốt một năm qua, tôi bám theo đội thi công để tư vấn tôn tạo di tích theo nguyên trạng”.

Theo ông Lộc, sau khi công trình hoàn thành, việc khai thác và phát huy giá trị di tích sẽ thuận lợi hơn. Nơi đây sẽ thành địa điểm tham quan giáo dục về nguồn, kết hợp với du lịch sinh thái. Bảo tàng Lịch sử sẽ phối hợp với ngành du lịch thiết kế tour du lịch “Hành trình về nguồn”, “Thăm lại chiến trường xưa”; thuyết minh tuyên truyền khi có du khách đến tham quan. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đầu tư cải tạo, chỉnh trang tuyến đường đến di tích, đoạn từ Trạm Kiểm lâm Hương Bình vào lòng hồ Thủy điện Hương Điền.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan

Ngày 21/12, tại di tích Hải Vân Quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan
Hoàn thành tu bổ, tôn tạo di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Chào mừng ngày kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), Chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng tổ chức sẽ được diễn ra vào sáng 9/8/2024 tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Khánh thành công trình tu bổ di tích Châu Hương Viên

Sau hơn 1 năm tu bổ, di tích Châu Hương Viên gắn liền với cuộc đời của thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (Nguyễn Phước Ưng Bình) - người có công rất lớn trong việc phát triển ca Huế - đã chính thức khánh thành, trở thành điểm đến văn hóa, đặc biệt với những ai yêu thích nghệ thuật ca Huế.

Khánh thành công trình tu bổ di tích Châu Hương Viên
Return to top