|
Mộ của Thượng thư Lê Quang Định sau khi được tu bổ, phục hồi |
Mộ của Thượng thư Lê Quang Định và phu nhân nằm ở khu vực bên tả phía trước chùa Thiền Tôn (phường An Tây, TP. Huế). Mộ được xây dựng bằng vật liệu hợp chất kết hợp với đá núi màu nâu vàng (dạng đá gan gà). Bố cục mặt bằng hình chữ nhật, kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong, gồm: cổng mộ, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, bia mộ, nấm mộ, bình phong hậu.
Trong khi đó, mộ phu nhân nằm song song, cách 2,5m so với mộ Thượng thư Lê Quang Định. Bố cục, kết cấu và vật liệu kiến trúc tương tự như mộ của Thượng thư Lê Quang Định, tuy nhiên kích thước và quy mô nhỏ hơn. Hiện trạng cả 2 ngôi mộ phần lớn đã nghiêng lún và bể vỡ nhiều vị trí. Các lớp hợp chất bị phong hóa bởi thời gian lâu dài nên tính chất kết dính giảm, dẫn tới bong tróc, vỡ ở hầu hết bề mặt, cây cối ăn phá, bao phủ nhiều năm dẫn đến các cấu kiện kiến trúc bị hư hại rất nặng.
Sau khi vệ sinh cảnh quan, cả 2 ngôi mộ đã được tu bổ, phục hồi đảm bảo giữ gìn được các yếu tố gốc. Trong đó, sử dụng vật liệu tu sửa có tính truyền thống trong lịch sử kiến trúc lăng mộ Việt Nam, phổ biến ở khu vực miền Trung và Nam Bộ ở thế kỷ 17-19, dân gian gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: Hợp chất ô dước, hợp chất vôi mật, hợp chất bời lời, hợp chất tam hợp… Được biết, kinh phí cho việc tu bổ, phục hồi này là do các tấm lòng thiện tâm phát nguyện.
Lê Quang Định (1759 - 1813), tự Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai, là người làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên (nay là xã Phú Mậu, TP. Huế). Ông từng làm quan Thượng thư bộ Binh dưới thời vua Gia Long. Chính ông là người biên soạn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Cuốn sách vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX.
N. MINH