Đến năm 2019, Bản Di chúc của Bác Hồ đã tròn một nửa thế kỷ. Đây là tài sản vô cùng quý báu của dân tộc. Tư tưởng phát triển kinh tế đề cập trong Di chúc là một trong những tư tưởng quan trọng định hướng phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân. Đây vừa là mệnh lệnh thiêng liêng, vừa là mục tiêu bao trùm và động lực nền tảng thúc đẩy nền kinh tế đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới từ năm 2019.
Tư tưởng phát triển bao trùm và đột phá sau chiến tranh
Di chúc khẳng định, nhân dân lao động miền xuôi và miền núi đều chịu đựng gian khổ, bị bóc lột cùng cực và chiến tranh gieo rắc đau thương và mất mát. Nhân dân luôn có tinh thần anh hùng, dũng cảm, cần cù, hăng hái và là lực lượng cách mạng cơ bản, luôn trung thành với Đảng cho nên Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là tư tưởng phát triển kinh tế bao trùm của Di chúc để không một ai, dù ở miền nào, bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Công cụ để thực hiện thành công mô hình kinh tế bao trùm là phải có kế hoạch thật tốt, để vừa không ngừng cải thiện phúc lợi, vừa bảo đảm sao cho mỗi người dân đều được hưởng thành quả xứng đáng từ sự phát triển mang lại.
Bản Di chúc của Bác Hồ vừa là mệnh lệnh thiêng liêng, vừa là mục tiêu bao trùm và là động lực nền tảng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đất nước. (Ảnh minh họa)
Quan niệm kế hoạch thật tốt trong Di chúc cần được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tầm nhìn bao quát nhất, chiến lược và chính sách hiệu quả nhất cũng như bộ máy thực hiện với hiệu năng cao nhất. “Kế hoạch kinh tế thật tốt” được nhấn mạnh bằng dòng chữ in nghiêng trong Di chúc càng cho thấy điểm nhấn đặc biệt quan trọng mà Người đã xác định.
Kế hoạch này phải được Đảng trực tiếp xây dựng trên nguyên tắc một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, kể cả trong lãnh đạo phát triển kinh tế
Khi kháng chiến thành công, chiến tranh kết thúc, đất nước sẽ được xây dựng nhanh hơn 10 lần thời điểm hiện tại. Đó là sự thể hiện khát vọng cao cả, phát triển đột phá, để hàn gắn, bù đắp được vết thương chiến tranh, vươn lên mãnh liệt, nhằm không bị tụt hậu hay lạc hậu so với trình độ phát triển chung của nhân loại.
Theo cách hiểu trực tiếp, tăng trưởng kinh tế đất nước cần phải gấp hàng chục lần mới có thể bảo đảm điều kiện thực hiện đầy đủ mục tiêu phát triển bao trùm để nâng cao đời sống nhân dân thuộc mọi tầng lớp và mọi miền Tổ quốc.
Triệt để chống lãng phí nguồn lực phát triển về thời gian và tiền bạc
Thấu hiểu sâu sắc điều kiện đất nước 50 năm trước còn rất nhiều khó khăn, Người đã có tư tưởng chống lãng phí. Người nhắc nhở “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng viếng linh đình, lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân”.
Theo phong tục tập quán châu Á, trong đó có Việt Nam, vị lãnh tụ vĩ đại như Bác khi qua đời sẽ phải tổ chức phúng viếng linh đình. Điều này không tránh khỏi sự lãng phí thời gian, tiền bạc không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của bạn bè quốc tế gần xa. Bác Hồ dường như đã nhìn thấy trước tình hình và đã ghi vào Di chúc lời nhắc nhở. Bác kỳ vọng, việc làm của Bác sẽ là tấm gương chống lãng phí điển hình để cả nước noi theo. Cho nên, nếu mọi người dân đều noi theo gương Bác, sự lãng phí sẽ được giảm thiểu rất lớn.
Tư tưởng này cho thấy, Bác Hồ hiểu rõ bản chất của vấn đề cơ bản trong kinh tế học là các nguồn lực luôn ở trạng thái khan hiếm, cả thời gian và tiền bạc. Sự phân bổ nguồn lực khan hiếm này cần được cân nhắc cẩn thận để nếu chúng sử dụng vào mục đích này thì sẽ không sử dụng vào mục tiêu khác và cần ưu tiên sử dụng chúng vào mục tiêu nào cấp thiết nhất. Bên cạnh đó, nếu chỉ quan tâm đến huy động nguồn lực để đạt mục tiêu ngắn hạn thì sẽ mất đi khả năng đạt được mục tiêu dài hạn trong phát triển hay sự phát triển thiếu bền vững.
Vì thế, triệt để chống lãng phí nguồn lực sẽ tạo điều kiện để tăng tiết kiệm và tích lũy nguồn lực trong nhân dân - một điều kiện để tăng đầu tư. Đây là lực lượng kinh tế bền vững trong thực hiện mục tiêu phát triển lâu dài, đặc biệt cần được triệt để thực hiện trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn.
Kế hoạch kinh tế thật tốt cần gắn chặt với kỷ luật chống lãng phí chặt chẽ. Đây là mối quan hệ vừa có tính biện chứng vừa bảo đảm đúng với bản chất của cân đối kinh tế cơ bản được chỉ ra trong Di chúc. Đồng thời, Người còn vạch rõ Đảng ta là một Đảng cầm quyền, cho nên mỗi đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Cần phải rèn luyện được những tiêu chuẩn đạo đức này mới bảo đảm không lãng phí nguồn lực cũng như xây dựng được kế hoạch kinh tế thật tốt theo mong đợi của Người.
Bảo đảm tinh thần trách nhiệm cao của đất nước
Khi Việt Nam trở thành một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, cần góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới (Di chúc). Sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian 50 năm trước đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ không nhỏ của lực lượng cách mạng và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng tự do và hòa bình.
Chính vì thế, khi sự nghiệp thành công, thể hiện kinh tế đất nước khởi sắc đáng kể sau hơn 30 năm đổi mới, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 đã cao hơn 10 lần so với năm 1975 như ý nguyện của Bác, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2010 (Văn kiện XI, 2011) và đang đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2035 (Báo cáo Việt Nam 2035). Việt Nam đang triển khai phát triển đất nước theo mô hình kinh tế bao trùm để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tuyệt đối không để ai ở lại phía sau của sự phát triển.
Nhiều chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã có tác dụng quan trọng đến nâng cao không ngừng đời sống nhân dân mọi miền đất nước. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đang được triển khai sâu rộng và tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của từng Đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân…
Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam thực hiện triệt để Di chúc luôn chủ động, tích cực sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có tránh nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình và phát triển. Việt Nam ủng hộ đáng kể vật chất, tiền bạc, nhân lực cho công cuộc bảo vệ hòa bình, hỗ trợ các nước bất lợi trong phát triển, tổ chức và tham gia nhiều diễn đàn quốc tế khu vực và thế giới…
Từ năm 2019, theo dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều động lực phát triển mới cả từ trong nước và quốc tế, nhất là các chiến lược, chính sách và kế hoạch đang tiệm cận đến mức độ thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa như Di chúc ghi rõ. Tư tưởng phát triển kinh tế bao trùm trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ nửa thế kỷ trước tiếp tục soi rọi đường hướng tương lai Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo VOV