ClockThứ Sáu, 06/09/2024 10:15

Ứng phó bão số 3: Chuẩn bị các phương án phù hợp với diễn biến thực tế

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão.

Cục Hàng không: Đóng cửa tạm thời bốn sân bay để tránh siêu bão số 3Thời tiết ngày 6/9: Bão số 3 (bão Yagi) mạnh cấp 16, di chuyển theo hướng Tây

Các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất và nông dân tập trung thu hoạch lúa theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” tại huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: TTXVN phát 

Phú Thọ kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (YAGI), tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ngành liên quan tập trung ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở thu hoạch những diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra; khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Sau khi nước rút, người dân cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Ngày 5/9, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị và nông dân tập trung nhân lực, máy móc để thu hoạch gọn diện tích lúa chín trước khi bão về. Ước diện tích lúa mùa chín đã thu hoạch đạt khoảng 1.000 ha.

 Nông dân Phú Thọ khẩn trương thu hoạch lúa mùa chín trước bão. Ảnh: TTXVN phát

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tạm dừng các cuộc họp không cấp bách; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác phòng ngừa, ứng phó với bão.

Các đơn vị khẩn trương chỉ đạo rà soát toàn bộ các nội dung, phương án chuẩn bị ứng phó với thiên tai trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với diễn biến cơn bão số 3 và điều kiện thực tế; đặc biệt là phương án ứng phó với mưa lũ lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất... theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đơn vị chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xung kích khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu, khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu. Địa phương chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở...

Các đơn vị chủ động vận hành, điều tiết nước và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ chứa và hạ du; đặc biệt là các tuyến đê xung yếu, các cống dưới đê bị sự cố, các hồ chứa lớn, các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công…

Quảng Bình đảm bảo an toàn các hồ chứa, công trình thủy lợi

Sáng 6/9, bão số 3 (YAGI) đang tiến sát vào đất liền và dự báo ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển, trong đó có Quảng Bình. UBND tỉnh yêu cầu, các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động tạm hoãn các cuộc họp chưa cấp bách, triển khai nghiêm túc công tác ứng phó với bão.

Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước. Các đơn vị, địa phương sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Quảng Bình hiện có 153 hồ chứa, trong đó 31 hồ bị hư hỏng, xuống cấp. Qua rà soát đã phát hiện hàng chục điểm dễ xảy ra sạt lở núi ảnh hưởng, đe dọa cuộc sống của hơn 1.000 hộ dân, trong đó nhiều điểm nguy cơ cao. Vì vậy, các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng bão, nước dâng do bão ở khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, các nhà không đảm bảo an toàn.

Các địa phương sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình, hệ thống đê, kè cửa sông, ven biển, đặc biệt là các công trình đang thi công ven biển như: kè biển Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch); kè biển Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới); Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 2... Địa phương chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ để thực hiện ứng phó khi cần thiết.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển khẩn trương rà soát kỹ, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú, đặc biệt lưu ý các thuyền nhỏ. Các đơn vị tiếp tục thông báo vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, kiên quyết yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn. Các đơn vị hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu, thuyền hư hỏng do va chạm, cháy nổ khi neo đậu.

Tại Quảng Bình, đến sáng 6/9, tất cả tàu, thuyền địa phương đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông báo về hướng đi của bão và tìm nơi neo đậu, tránh trú an toàn, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Trên địa bàn đã xuất hiện mưa vừa đến mưa to, gió thổi mạnh.

Kiên Giang: Tàu cao tốc tạm ngừng hoạt động do thời tiết xấu

Tàu cao tốc tại khu cảng thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) tạm ngừng hoạt động do thời tiết xấu. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN 

Ngày 6/9, phương tiện phà, tàu cao tốc các tuyến trên vùng biển Kiên Giang gồm: Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du (Kiên Hải) và ngược lại tạm ngừng hoạt động do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn chờ đến khi có thông báo mới từ ngành chức năng.

Các hãng tàu thông báo đến phòng vé, đại lý bán vé và hành khách đã đặt cọc hoặc thanh toán 100% tiền vé để hoàn trả lại tiền hoặc đổi vé qua ngày khác khi tàu hoạt động trở lại bình thường.

 Tàu cao tốc tại khu cảng thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) tạm ngừng hoạt động do thời tiết xấu. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Việc tạm ngừng hoạt động các tuyến tàu cao tốc trên vùng biển do thời tiết xấu để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là các tuyến, tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đã có kế hoạch đưa khách tham quan, trải nghiệm vùng biển đảo. Đồng thời, việc tạm ngừng các tuyến tàu cao tốc dẫn đến tình trạng nhiều du khách đã kết thúc chuyến du lịch nhưng không về đất liền được theo dự định, phải chờ đến khi tàu hoạt động trở lại. Trước tình hình đó, tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch lưu lại trên các đảo trong những ngày mưa bão.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống

Các chủ đầu tư công trình thủy điện đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư cùng nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai, chủ động trước mọi tình huống xảy ra.

Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống
Chủ động thích ứng

Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế đưa vào khai thác đã được một thời gian. Điều dễ dàng nhận thấy là sức hút của trung tâm thương mại cực kỳ lớn. Trong khi đó, những siêu thị, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang khác trên địa bàn TP. Huế giảm lượng khách đến đáng kể.

Chủ động thích ứng
Chủ động ứng phó với trượt lở đất

Các huyện miền núi với đặc điểm địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy các sông suối rất dữ dội, tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất ảnh hưởng đến khu dân cư. Do vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai luôn được coi trọng nhằm phát triển bền vững.

Chủ động ứng phó với trượt lở đất
WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết

Tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này vừa khởi động Kế hoạch chiến lược toàn cầu nhằm chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó với bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác gây ra bởi arbovirus (virus lây truyền từ động vật chân đốt, ví dụ như muỗi Aedes).

WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết
Chủ động, thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng

Ngày 4/10, tại tỉnh Điện Biên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối của năm 2024 khu vực Vụ Địa bàn VI. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Thị Hiền và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Tô Duy Nghĩa chủ trì Hội nghị.

Chủ động, thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng

TIN MỚI

Return to top