ClockThứ Ba, 24/04/2018 05:30

Về đất Tổ

TTH - Cuối cùng tôi cũng đã được chạm vào Nghĩa Lĩnh - ngọn non thiêng ở tỉnh Phú Thọ mà hễ là người Việt Nam thì ai cũng mong một lần được đặt chân đến. Bởi đây là nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương, là nơi hội tụ khí thiêng sơn thủy được vua Hùng chọn làm đất đóng đô cho nhà nước Văn Lang từ hơn 4.000 năm trước.

Bắt đầu các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018Đi làm dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4, mùng 1/5 được tính lương thế nào?Lịch nghỉ chính thức Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5/2018

Núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng, núi Cả ..., có độ cao 175 m so với mặt nước biển. Đây được xem là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn (Ốc sơn, cao 170m, nơi có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ), núi Trọc (145m), núi Pheo,… Ba đỉnh núi Hùng-núi Vặn- núi Trọc hợp lại thành “Tam sơn cấm địa”, là những ngọn núi linh thiêng được dân gian phụng thờ từ bao đời.

 Khu di tích Đền Hùng ngày ngày đón nhiều thế hệ con dân Việt về tham quan, chiêm bái

Chưa vào mùa lễ hội, nhưng đường về Đất Tổ vẫn rất đông những đoàn người hành hương về nguồn. Ngay dưới chân núi là cổng chính dẫn lên khu di tích Đền Hùng. Chiếc cổng được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917), kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng, 8 mái. Bên trên đắp nổi 4 chữ đại tự. Nếu đọc là “Cao Sơn Cảnh Hành” thì được dịch nghĩa là “Lên núi cao nhìn xa rộng”. Còn nếu đọc là “Cao Sơn Cảnh Hạnh” (trong chữ Hán, cùng một chữ nhưng có thể đọc thành 2 âm “hành”, hoặc “hạnh”) thì lại có nghĩa “Đức lớn như núi cao”. Ý nào cùng thâm sâu, nhưng tôi vẫn thích cách giải thích của vế sau hơn.

Vén mây vượt 225 bậc cấp được lát bằng đá tốt, nghe nói toàn bộ hệ thống bậc cấp đá trong khu di tích là của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cung tiến, chúng tôi đến với Đền Hạ. Theo truyền thuyết, đây là nơi Mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, cha Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để người con trưởng ở lại làm vua lấy hiệu là Hùng Vương... Có nghĩa đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” của Tổ Tiên dân Việt. Trong khói hương mờ tỏa, lòng chợt bâng khuâng thật khó tả khi về với đất Mẹ quê Cha. Nén hương đầu tiên dâng lên Anh linh Tiên Tổ, lòng chợt thấy thật chân thành thanh khiết, không mong cầu gì hơn ngoài mong cho Tổ quốc mãi trường tồn, quốc gia mãi hòa bình, hưng thịnh.

Rời Đền Hạ, leo thêm 168 bậc đá nữa, chúng tôi đến với Đền Trung. Tương truyền đây là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng thường họp bàn việc nước. Cũng nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho hoàng tử Lang Liêu - người con hiếu thảo gắn với sự tích bánh chưng bánh dầymà dân Việt không ai là không biết. Tiếp hơn trăm cấp đá nữa là Đền Thượng, nơi xưa kia Vua Hùng vẫn cử hành nghi lễ tế trời đất, cúng thần lúa để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cũng chính nơi đây vua Hùng thứ 6 đã cho lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước. Cậu bé Gióng xuất hiện, vươn vai vụt lớn, nắm gậy sắt, đội nón sắt, cưỡi ngựa sắt ra trận đánh tan giặc Ân xâm lược. Sau khi Thánh Gióng bay về trời, vua đã cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) có lẽ là vì thế. Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá nay vẫn còn, hình vuông, cao 1,3m, rộng 0,3m mỗi cạnh. Năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú cũ đã cho tôn dựng lên bệ như hiện thấy.

Chếch về phía đông và ở vị trí hơi thấp hơn so với Đền Thượng là lăng mộ vua Hùng thứ 6. Có một cầu thang đá hẹp dẫn từ Đền Thượng xuống vị trí lăng tọa lạc. Lăng có thế “đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam”. Xưa nghe nói chỉ là mộ đất, mãi đến thời Tự Đức triều đình mới cho xây dựng lăng mộ. Đến thời Khải Định (đầu thế kỷ XX), lăng lại được trùng tu. Lăng có hình vuông, cột liền tường, 2 tầng mái. Bốn góc mái ở mỗi tầng đều đắp hình rồng. Đỉnh lăng có gắn “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Ba mặt Tây, Đông, Nam của lăng đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường đá bao quanh. Trong lăng có mộ Vua Hùng xây bằng đá. Phía trên ba mặt lăng đều có đề 3 chữ: Hùng Vương lăng.

Bức ảnh lưu niệm dưới cội vạn tuế hơn 750 tuổi ở Đền Hạ

Từ lăng vua Hùng, men theo vách núi đi xuống phía Ðông Nam là Đền Giếng. Ðền thờ hai công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung, hai người con gái yêu của vua Hùng thứ 18. Vì có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên hai bà được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Gọi Đền Giếng vì trong khuôn viên đền có giếng Ngọc trong vắt, bốn mùa đầy nước. Tương truyền ở giếng này, Ngọc Hoa và Tiên Dung vẫn thường vấn tóc soi gương mỗi khi theo vua cha kinh lý qua vùng này. Giếng vẫn còn đến ngày nay và được rào chắn bảo vệ, trở thành điểm hành hương, tham quan cho khách thập phương. Ngay trước bậc cấp của gian tả nhà Tiền bái của ngôi đền, Ban quản lý di tích cho dựng tấm bia đá khắc trang trọng: “Tại đây, ngày 19/5/1954, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô. Người căn dặn: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Người được xem là “một lời hịch vang vọng thiên thu, trường tồn với đời đời con cháu”...

Tính ra cả ngàn bậc cấp cả lên và xuống. Cùng thăm Đền Hùng với chúng tôi có anh Sỹ, một đồng nghiệp lớn tuổi từ Gia Lai, vốn bị bệnh xương khớp không nhẹ vẫn không hề bỏ cuộc. Tôi hơi ái ngại, định đưa tay dìu anh qua những chỗ dốc khó, nhưng anh khoát tay ra dấu để anh tự đi. Có lẽ anh muốn tự mình đặt những bước chân lên Đất Tổ thương yêu, để được cảm nhận thật sâu mạch nguồn Lạc Hồng đang trào dâng trong huyết quản. Cũng may bầu không khí ở đây thật trong lành, mát mẻ đến dễ chịu. Ấy là bởi Nghĩa Lĩnh vẫn còn giữ được cả thảm rừng nguyên sinh hết sức quý báu. Một tấm bia đá ven đường có ghi, Rừng Quốc gia Đền Hùng (RQGĐH) nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. RQGĐH rộng 538ha và có hệ thực, động vật đa dạng, phong phú, quý hiếm. Khu rừng có 636 loài cây thuộc 429 chi của 144 họ thực vật, trong đó có 15 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, 204 loài cây có tác dụng làm thuốc; có cây vạn tuế 800 tuổi, cây đại 500 tuổi, cây chò nâu 100 tuổi... RQGĐH còn có 95 loài động vật có xương sống, trong đó có 7 loài quý hiếm cần được bảo vệ và 175 loài côn trùng... Năm 1962, lần thứ hai về thăm khu di tích Đền Hùng, trước khi về Hồ Chủ tịch căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ “phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm”. Vâng lời Bác dạy, các đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Phú Thọ đã có sáng kiến xây dựng vườn cây báo Đảng ở khu di tích và được lãnh đạo tỉnh hết sức ủng hộ. Vườn cây báo Đảng bây giờ đang ngày mỗi đông vui. Sao đen đã đâm rễ vươn cành, ngọc lan đã đơm hoa dịu dàng hương tỏa, lại có cả cây kơnia từ tận đất Tây Nguyên mang ra với nguyện ước mai này sẽ tỏa bóng cùng che mát Đất Tổ...

Bái biệt Đền Hùng và hẹn một ngày gần nhất lại có dịp được về non thiêng Nghĩa Lĩnh. Ở hướng ngược lại, rất nhiều những đoàn con dân nước Việt đang tiếp tục hành hương đến với Đền Hùng. Một dân tộc luôn giữ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, luôn tri ân và hướng về Tổ tông nguồn cội, dân tộc ấy sẽ mãi trường tồn. Trong tôi sắt son một niềm tin như vậy.

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 10/4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương
Return to top