ClockThứ Bảy, 29/06/2024 12:58

​Hai cuộc đời mới hồi sinh nhờ nghĩa cử cao đẹp

TTH.VN - ​Hai thanh niên bị suy thận mạn giai đoạn cuối ở Huế và Quảng Trị được “nối dài” sự sống từ tấm lòng của gia đình bệnh nhân chết não tại Phú Thọ. Hành trình vượt gần 800 km đưa tạng hiến về ghép thành công có sự chung tay của nhiều đơn vị, ban ngành.

Xây dựng hình ảnh người điều dưỡng chuyên nghiệp, tận tâm, hội nhậpBệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế nhận giải thưởng SILVER PLUS Quản lý suy timHồi sức nhi sơ sinh tại phòng sinhTrao Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho hai bác sĩ Hoa KỳKiểm tra gần 2.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩmBệnh nhi viêm cơ tim tối cấp biến chứng sốc tim được cứu sống ngoạn mục

 Các y bác sĩ theo dõi sức khỏe sau ghép cho BN Đặng N.T.

“Mừng như trúng số”

Trưa 29/6, tại phòng chăm sóc sau ghép ở Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, bệnh nhân (BN) Đặng N.T. 33 tuổi ở TX. Hương Trà, Thừa Thiên Huế ăn bữa cháo dinh dưỡng chỉ trong 5 phút. Đã lâu rồi, anh mới có được cảm giác ăn uống ngon lành như hôm nay.

Bốn năm trước, chàng thanh niên trẻ người Hương Trà phát hiện bị suy thận sau khi rời quân ngũ. Mỗi tuần, anh phải lọc máu 3-4 lần tại BVTW Huế. Cha làm công nhân, mẹ ở nhà nội trợ, để chạy chữa cho con suốt mấy năm qua, kinh tế gia đình khánh kiệt, rơi vào nợ nần. Suy thận mạn đồng nghĩa nồng độ creatinine của N.T. cao gấp 10 lần so với người bình thường. Không được uống nhiều nước, cơ thể luôn trong tình trạng mỏi mệt, anh bị suy dinh dưỡng và yếu dần. “Ba em không thể hiến thận cho con vì thận của ông cũng có vấn đề. Tương lai trước mắt mịt mù, bản thân không dám nghĩ chi ngoài cầu mong có sức khỏe để điều trị”, N.T. nhớ lại.

Thế rồi, điều kỳ diệu xảy ra, trong số hàng ngàn bệnh nhân suy thận cả nước đang chờ đợi thì N.T. nhận được điện thoại báo vào BV làm các thủ tục ghép vì đã có thận hiến tặng. “Giờ đây, người em như khỏe ra, đi lại nhẹ bẫng, ăn cái gì cũng ngon và đặc biệt thấy cuộc đời tươi đẹp hơn nhiều. Sau khi ra viện, em muốn thực hiện một chuyến du lịch bù lại cho quãng thời gian u buồn vì bệnh tật trước đây”, anh trải lòng.

Bình phục nhanh sau ghép, BN Phạm P.T, 32 tuổi. người Quảng Trị đang háo hức chờ ngày được ra viện. Suy thận gần 4 năm, P.T. đang tính đến chuyện ghép thận từ người cho sống. Sau ghép 8 ngày, sức khỏe của anh tiến triển thấy rõ, cơ thể tăng 3 kg, các chức năng sinh hoạt bình thường đã trở lại. Anh P.T. kể: “Vừa về tới nhà sau đợt lọc máu, nhận được điện thoại thận hiến tương thích và sẽ được ghép ngay, em tức tốc vào Huế. Mừng như trúng số. Giờ em cảm nhận rõ ý nghĩa của một cuộc đời mới. Xin được cúi đầu cảm ơn gia đình người hiến thận nhiều lắm. Khỏe lại, em sẽ tìm thăm, tri ân ân nhân của đời mình”.

Theo ThS. BSCK II Võ Đại Quyền, Phó Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức Tim mạch BVTW Huế, sau ghép, các BN hồi phục tốt, sức khỏe cải thiện. Các trường hợp ghép thận xuyên Việt đều thành công về công tác vận chuyển và kỹ thuật ghép bởi đây là hoạt động thường quy tại BV. “Nếu có thêm nhiều trường hợp BN chết não đồng ý hiến tạng thi đội ngũ bác sĩ của chúng tôi có cơ hội thực hiện sứ mệnh cứu sống nhiều bệnh nhân”, BS Quyền nói thêm.

 Ê kíp thực hiện ghép thận cho bệnh nhân tối 20/6

Cống hiến cho xã hội ngay cả khi nằm xuống

Ngày 20/6, cố BN H.Q.B. 58 tuổi ở Phú Thọ nhập viện vì tai nạn giao thông, phải thở máy hoàn toàn và không qua khỏi. Sau khi tư vấn, gia đình người bệnh đồng ý hiến tạng cứu người. Chị Huỳnh T.S., con gái BN xúc động: “Lúc còn sống, bố tôi luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Mẹ tôi đang khỏe mạnh cũng bày tỏ muốn hiến tặng mô tạng cứu người. Ở giây phút cuối đời, khi thân thể sắp thành khói bụi, bố tôi có thể cứu giúp một ai đó, cống hiến cho xã hội là điều ông mong mỏi từ lâu”.

Thận hiến được xe cấp cứu đưa đến sân bay và được cảnh sát giao thông dẫn đường về Huế lúc 22h22 khuya 20/6. 2 ê kíp cùng lúc tiến hành ghép thận cho 2 BN có các chỉ số tương thích cao được chọn. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, BN được chuyển ra phòng hồi sức ghép tạng với các thông số huyết động ổn định, nước tiểu khoảng 100-150ml/h trong 3 giờ đầu và dần dần cải thiện các giờ sau đó. Một ngày sau ghép, 2 BN tỉnh táo, các thông số huyết động ồn định, các chỉ số sinh hóa dần cải thiện, lượng nước tiểu cho thấy chức năng thận ghép tốt.

Đến nay, BVTW Huế đã thực hiện gần 2000  ca ghép mô tạng từ người cho sống và người cho chết não. Bình quân mỗi năm đơn vị triển khai trên dưới 200 ca ghép tạng song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bệnh nhân ở Huế, khu vực miền Trung và cả nước. Những năm gần đây, dù có sự thay đổi trong nhận thức về đăng ký hiến tặng mô tạng song số ca đồng thuận hiến trong tổng số người cho chết não còn thấp. Tại BVTW Huế, tỷ lệ ca ghép từ người cho chết não chiếm khoảng 5%.

GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế cho biết: “Cấy ghép mô tạng là hoạt động thường quy vì chúng tôi vận hành quy trình lấy tạng, hiến tạng chuyên nghiệp; bên cạnh đó đội ngũ cán bộ cũng làm chủ được kỹ thuật ghép mô tạng. Mỗi ngày ở Việt Nam, số lượng người chết não, chết tim khá lớn; mô tạng của những bệnh nhân này vẫn có thể giúp ích cho các BN bị suy tạng khác. Đã đến lúc cần thay đổi Luật Hiến-Ghép mô tạng để mở rộng biên độ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn ở lĩnh vực này. Có như vậy, ngành y tế mới thực hiện được nhiều ca ghép, thắp lên nguồn sống cho nhiều cuộc đời”.

Clip đưa tạng hiến từ Phú Thọ về ghép cho 2 bệnh nhân ở Huế. Ảnh: THƯỢNG HIỂN 

Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế Online, GS. TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ghép tạng Việt Nam không hề thua kém thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghép được khoảng 1.000 ca, nâng cao vị thế Việt Nam trong bản đồ ghép tạng trong khu vực. Tuy nhiên, lĩnh vực này gặp nhiều thách thức do nguồn hiến tạng chưa nhiều, hầu hết là từ người cho sống; trong khi ở các nước phát triển thì con số hiến tạng từ người cho chết não nhiều hơn. GS Thuấn lưu ý: “Điều này đòi hỏi chúng ta thay đổi tư duy, nhất là trong công tác vận động hiến tạng. Các đơn vị y tế từng bước xây dựng đội ngũ tư vấn viên bài bản, xác định nguồn tiềm năng để đội ngũ này tiếp cận, kiên trì, thuyết phục dần dần các trường hợp được chẩn đoán chết não”.

GS Thuấn cũng thông tin, sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động hiến tặng mô tạng, có rất nhiều người hưởng ứng và lan tỏa hành động cao cả đến cộng đồng. “Với thông điệp “cho đi” từ người đứng đầu của Chính phủ, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, pháp chế cũng như tạo cơ chế về hành chính, tài chính cho công tác ghép tạng, tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật và tiếp cận các công nghệ mới để đưa ghép tạng của Việt Nam tiến xa hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

LINH GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ nhật vì cộng đồng

Từ phong trào Ngày Chủ nhật xanh, những hành động đẹp, thiện nguyện đã lan tỏa trong đời sống thường nhật.

Chủ nhật vì cộng đồng
Xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng

Ngày 28/6, tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế diễn ra Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ XI. Tham dự, có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục; GS. TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, cùng hơn 1.200 đại biểu là chuyên gia Điều dưỡng (ĐD) quốc tế, lãnh đạo, báo cáo viên đến từ các bệnh viện trong cả nước.

Xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng
Xây dựng hình ảnh người điều dưỡng chuyên nghiệp, tận tâm, hội nhập

Ngày 27/6, Đại hội Đại biểu Hội Điều dưỡng (HĐD) tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam cùng 283 đại biểu chính thức được triệu tập.

Xây dựng hình ảnh người điều dưỡng chuyên nghiệp, tận tâm, hội nhập
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Uống Ích Thận Vương, các triệu chứng suy thận của tôi đã cải thiện, sức khỏe tốt hơn trước rất nhiều

“Nói chung là từ khi dùng Ích Thận Vương, chỉ số creatinin vẫn giữ ở mức từ 1 trăm lẻ, có lúc xuống 99, tôi rất là mừng” - ông Uyên (SĐT: 0915.342.834, trú tại số nhà 26, ngách 7, ngõ 264 Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm cải thiện suy thận.

Uống Ích Thận Vương, các triệu chứng suy thận của tôi đã cải thiện, sức khỏe tốt hơn trước rất nhiều
Return to top