ClockThứ Bảy, 04/11/2017 05:56

Vì mình & vì mọi người

TTH - Giỏi phát triển kinh tế gia đình và luôn nhiệt tình trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương là những gì mà nhiều người dân chứng kiến ở cựu chiến binh (CCB) Châu Viết Dương (sinh năm 1958), Chi hội phó Chi hội CCB tổ 10, phường An Tây, TP. Huế.

CCB Châu Viết Dương (áo trắng) tự bỏ tiền túi để làm đường bê tông cho bà con trong xóm cùng đi

Từ tay trắng trở thành ông chủ

Thành công từ mô hình nuôi heo rừng kết hợp nuôi cá diêu hồng, CCB Châu Viết Dương trở thành ông chủ trang trại có cơ ngơi vững chắc với thu nhập trên gần 150 triệu/năm.

Có được như ngày hôm nay, ông Dương đã trải qua những tháng ngày vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người. Năm 1987, xuất ngũ do điều kiện sức khỏe, người bệnh binh trở về quê hương với vô vàn khó khăn. Không nghề nghiệp, không vốn liếng, ông quyết định đưa vợ con rời quê hương vào Nam lập nghiệp. Vậy nhưng, sau thời gian kiếm sống trên đất khách, năm 2003 ông lại trở về quê vẫn với hai bàn tay trắng.

Cứ đi làm thuê thì chẳng bao giờ khá lên được, mình có vườn tược rộng lớn sao không đầu tư chăn nuôi. Nhưng làm thì vốn đâu ra? Đó chính là điều ông Dương trăn trở nhất. Được sự ủng hộ của vợ, ông đã cầm cố nhà cửa để vay vốn chăn nuôi. Trời không phụ người có công, những lứa heo đầu tiên phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. "Qua quá trình chăn nuôi, nhận thấy nuôi heo rừng đang ngày càng có giá trị trên thị trường và phù hợp với điều kiện đất gò đồi của gia đình nên tôi mạnh dạn đầu tư, chuyển hướng qua nuôi heo rừng với số lượng lớn”, ông Dương cho biết.

Sau khi có kinh nghiệm sản xuất và tích lũy được một ít vốn, ông tiếp tục mở rộng trang trại, đào thêm ao thả cá, trồng cây ăn quả và trồng chuối để phục vụ chăn nuôi. Tham quan trang trại với bạt ngàn màu xanh cây trái, cùng mô hình chăn nuôi bài bản, có hệ thống tưới tiêu đảm bảo, chuồng trại kiên cố, đảm bảo kỹ thuật mới thấy được người bệnh binh già đã dành biết bao tâm huyết cũng như mồ hôi, công sức mới có được ngày hôm nay. Bắt tay xây dựng chuồng trại từ năm 2003, đến nay, ông Dương đã có 3 khu trại chăn nuôi kiên cố với trung bình 100 con heo thịt/ lứa, 12 con heo nái, 1 khu chăn nuôi gia cầm, thủy cầm hơn 300m2  và 2 ao cá diêu hồng.

Lo cho dân

Khi kể về CCB Châu Viết Dương, bà con trong khu vực không những khâm phục sự cần cù, chịu khó để vươn lên phát triển kinh tế gia đình mà còn biết ơn vì ông đã không ngần ngại bỏ tiền túi để cùng với Nhà nước làm con đường của xóm.

Xóm Ngũ Tây, khu vực 5, phường An Tây vốn là một xóm nghèo, đường sá đi lại khó khăn, mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa thì sình lầy. Trước tình cảnh đó, năm 2009, ông làm đơn xin bê tông hóa, được UBND phường An Tây và TP.Huế phê duyệt dự án với chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đã có 70% kinh phí Nhà nước cấp, nhưng dân trong xóm đa số là hộ khó khăn, neo đơn nên việc huy động được 30% còn lại nằm ngoài khả năng . Bởi vậy người dân đành chấp nhận “nhường” dự án cho nơi khác. Ông Dương rất trăn trở vì điều đó nên quyết tâm tích cóp tiền để làm cho bằng được con đường phục vụ đi lại.

Đến năm 2014, thấy số tiền lãi chăn nuôi dành dụm bấy lâu cũng hòm hòm, cộng thêm tiền bán đất vườn nên ông trình bày nguyện vọng và được chính quyền địa phương đồng ý. Ông Dương tự mua vật liệu và huy động bà con giúp sức để cùng làm đường. "Khi mở rộng và bê tông hóa con đường, bà con không ngại hiến đất, giúp công, qua đó, giúp tôi có động lực và thấy việc mình làm thêm ý nghĩa”, ông Dương bộc bạch. Sau 3 tháng thi công, con đường xóm dài gần 500 mét, chiều ngang 2,7 mét được bê tông kiên cố, sạch đẹp. Tổng kinh phí  xây dựng 140 triệu đồng đều do ông Dương bỏ ra. Bà Hoàng Thị Vui (54 tuổi, xóm Ngũ Tây) chia sẻ: “Từ khi có đường bê tông, bà con chúng tôi đi lại dễ dàng hơn. Có con đường đẹp, khu vực dân cư ở đây trông cũng trở nên khang trang hẳn”.

Ông Dương cũng là người tích cực tham gia đóng góp và vận động bà con chung tay xây dựng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp của mình đối với xã hội, CCB Châu Viết Dương đã vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Hội CCB các cấp. Ông cũng là một trong những Doanh nhân CCB tiêu biểu toàn quốc được tặng Kỷ niệm chương vào năm 2015.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top