Một góc đô thị thông minh được xem là "đầu não" tiếp nhận các phản ánh từ người dân
Với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Vietel), dự án vừa được Giải thưởng viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019 vinh danh ở hạng mục “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”.
Một ngày sau khi được vinh danh, những người làm việc ở dự án vẫn còn nguyên cảm xúc vui mừng. Với họ, mọi thứ vẫn còn khá mới, cùng lúc phải xử lý rất nhiều công việc, phản ánh dồn dập thông qua các kênh tương tác mà người dân gửi về, từ vấn đề dân sinh đến xả rác, kẹt xe, cháy nổ, buôn gian bán lận… Những bức xúc, phàn nàn ấy đã được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý và được phản hồi lại với người phản ánh.
Một trong những người đầu tiên tham gia dự án, ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kể, mọi thứ được tính toán một cách cẩn trọng, và trên hết tạo được sự đồng thuần không chỉ ở các sở ngành mà còn ở chính người dân.
Ngay từ khi hình thành, Trung tâm đô thị thông minh xác định mục tiêu như giám sát, xử lý giao thông; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; giám sát an ninh, tình hình an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công và đưa ra quyết định trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công…
Từ đó, về lâu dài hướng đến đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.
“Chỉ trong vòng ba tháng, chúng tôi đã nhận rất nhiều ý kiến phản ánh từ người dân gửi về, vượt quá so với dự tính ban đầu, nhưng do có sự chuẩn bị trước nên chúng tôi đáp ứng được. Điều này cho thấy tín hiệu vui…”, ông Sơn nhận xét và cho biết, các thông tin cá nhân của người cung cấp sẽ được bảo mật tuyệt đối. Những phản ánh ấy được tập trung về đầu mối là Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, từ đó tùy theo từng lĩnh vực, trung tâm sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan để xử lý.
Nhưng làm sao xử lý kịp thời, đảm bảo được sự tin tưởng của người phản ánh là câu chuyện không hề đơn giản. Bên cạnh đơn vị có chức năng xử lý phản ánh của người dân, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh đã được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền với vai trò giám sát, đôn đốc quá trình xử lý.
Ngoài sự liên thông, kết nối của các cơ quan hành chính vào dự án, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp như viễn thông, môi trường đô thị, điện, nước…giúp quá trình xử lý phản ánh kịp thời. Nếu không hài lòng với kết quả xử lý, người phản ánh có thể tiếp tục tương tác thông qua đánh giá mức độ hài lòng, từ đó có cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh.
“Đến thời điểm này, có 70% phản ánh sau khi được xử lý đánh giá hài lòng, đây là tín hiệu tốt. Riêng một số vấn đề trong quá trình giải quyết vẫn còn gặp vướng mắc nên trễ hẹn do một số đơn vị chưa có kinh nghiệm, nguồn lực”, ông Sơn chia sẻ và cho biết, dịch vụ này mới ra đời vì thế có nhiều văn bản, quy định phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tế, quá trình xử lý phản ánh.
Thời gian tổ chức dự án và đem lại hiệu quả nhanh
Dự án Trung tâm Điều hành thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế được Ban tổ chức giải thưởng viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019 đánh giá cao về sự thông minh, phù hợp với đặc thù của Thừa Thiên Huế, đảm bảo phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao trải nghiệm của người dân và khách du lịch; phù hợp với tâm lý, khả năng ứng dụng, cách tương tác… Dự án được đánh giá cao về thời gian tổ chức và đem lại hiệu quả nhanh.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, để có được thành công này phải kể đến rất nhiều yếu tố và công sức của nhiều đơn vị, cá nhân nhưng không thể không nhắc đến dấu ấn của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ - người luôn quan tâm, hiểu sâu những giá trị ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống.
|
Bài, ảnh: NHẬT MINH