Bà Kăn Thiết “khoe” thanh long đang phát triển
Nhìn vẻ ngoài nhanh nhẹn, ánh mắt tinh anh và nụ cười hào sảng, không ai nghĩ ông Quỳnh Xăng năm nay đã 87 tuổi. Bà Kăn Thiết cũng “thần thái” không kém, khi bộc bạch, bà tuy lớn tuổi, nhưng nếu không lao động, vợ chồng bà thấy “ngứa chân ngứa tay”, cuộc sống mất ý nghĩa.
Cả ông Quỳnh Xăng và bà Kăn Thiết đều là người có công, ngày xưa từng gùi đạn, gùi gạo giúp cách mạng. Đã từng đóng góp tuổi trẻ cùng đồng bào trên dãy Trường Sơn đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại cuộc sống nương rẫy yên bình, nên vợ chồng ông Quỳnh Xăng quý từng tấc đất.
“Ngày trước, khi còn mạnh khỏe hơn, ngoài trồng trọt, vợ chồng tôi còn nuôi rất nhiều bò, dê, lợn. Vụ này gối vụ khác, cuộc sống lao động cứ tiếp diễn như vậy. Bây giờ con cái 8 người đã có vợ, có chồng, có cuộc sống riêng”, ông Quỳnh Xăng chia sẻ.
Trên khu vườn rộng, vợ chồng ông Quỳnh Xăng dành tầm 300m2 trồng cà phê. Diện tích còn lại hai lão nông trồng hơn 100 gốc chuối, vài chục gốc thanh long. Một vạt hơn 300 cây sâm cau… Rồi thì giàn bầu, giàn bí, dưa leo, dưa gang, rau xanh mùa nào thức nấy. Các loài cây, loài rau được bố trí ngăn nắp khiến khu vườn thật đẹp và toát lên vẻ trù phú.
Chủ vườn nở những nụ cười mộc mạc khi bộc bạch rằng, chẳng tính tổng thu nhập từ vườn bao nhiêu trong một năm. Chỉ biết rằng, lúc thì bán cà phê được vài triệu đồng, lúc bán thanh long hoặc chuối vài trăm nghìn đồng. Sâm cau là loại thảo dược, uống bồi bổ sức khỏe nên rất hút hàng và được giá.
“Sâm cau tươi có giá 30 nghìn đồng/1 kg. Nếu phơi khô mới bán thì người ta mua 60 nghìn đồng/1 kg. Có bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu”, bà Kăn Thiết “khoe”.
Bất kỳ ai đến làm khách nhà vợ chồng ông Quỳnh Xăng, đều được đón tiếp bằng những nụ cười hồn hậu, lời chia sẻ chân tình và đặc biệt là được mời nếm các loại trái cây tươi hái từ vườn. Đôi vợ chồng lão nông còn “nài nỉ” cầm theo về những trái chuối thơm lừng mùi vị ngọt ngào của mảnh đất hiếu khách nơi xã biên giới xa xôi.
Ngoài trồng trọt sản xuất, cách đây 10 năm cho đến bây giờ, vợ chồng ông Quỳnh Xăng còn tranh thủ thêm nghề làm chổi đót. Đót thì mua ở Quảng Trị, ông bà vào rừng lấy tre về làm cán chổi. Hình ảnh đôi vợ chồng già cùng nhau ngồi trước hiên nhà cặm cụi tước đót, làm chổi đã quá quen thuộc, người dân thôn Ta lo A hố không khỏi tấm tắc và bảo nhau học tập.
Bà Kăn Thiết nói: “Ngày nào vào rừng là phải đi từ tờ mờ sáng, đi xa tìm cây tre già, cán chổi mới chắc. Mình làm phải có uy tín, sản phẩm được khách hàng hài lòng, như vậy mới yên tâm, mới vui”. Uy tín như vậy, nên chổi đót của vợ chồng ông Quỳnh Xăng vẫn “sống” suốt 10 năm qua, với giá bán từ 60 đến 80 nghìn đồng 1 cây, tùy loại dày, mỏng.
Bằng tình yêu lao động, bằng những bàn tay, những giọt mồ hôi cần mẫn, vợ chồng ông Quỳnh Xăng đã nuôi các con trưởng thành, xây dựng được cơ ngơi nhà cửa khang trang, chắc chắn. Các công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh cũng hiện đại, đảm bảo mỹ quan và môi trường sạch đẹp.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh