ClockThứ Sáu, 15/11/2024 11:55

Xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn để bảo vệ quyền lợi người lao động

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là phao cứu sinh của người lao động (NLÐ) khi mất việc làm. Năm 2006, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm chính sách về BHTN.

Năm 2013, trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách BHTN được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và kinh nghiệm thực hiện BHTN tại các nước trên thế giới, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm; trong đó, chính sách BHTN được mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLÐ, hướng tới BHTN không chỉ hỗ trợ về kinh tế cho NLÐ thất nghiệp mà còn giúp họ sớm tìm được việc làm, duy trì việc làm đã có để hạn chế không bị thất nghiệp lại trong tương lai.

Từ đó đến nay, BHTN được duy trì và phát triển với bốn chế độ, gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLÐ.

Sau hơn 9 năm thực hiện theo Luật Việc làm, chính sách BHTN đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên, cũng bộc lộ những bất cập.

Ngày 9/11 vừa qua, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung đã trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, trong đó đề xuất nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách BHTN, như: Mở rộng đối tượng tham gia; linh hoạt mức đóng; sửa đổi các chế độ BHTN… được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm.

Tuy nhiên, một số dự thảo quy định mới vẫn chưa hoàn toàn phù hợp thực tiễn; thí dụ như quy định: "Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN" là chưa phù hợp. Bởi lẽ, với mức trợ cấp này, NLÐ chỉ được nhận khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi không có nguồn thu nhập nào khác do mất việc. Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đã đề nghị cơ quan soạn thảo nên xem xét, điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp từ 75% đến 80% để góp phần bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho NLÐ khi không có việc làm. 

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi cũng quy định, trường hợp doanh nghiệp chậm nộp hoặc nợ BHTN, NLÐ có thể tự đóng phần BHTN này để bảo đảm quyền lợi. Quy định như vậy có thể tạo thêm gánh nặng tài chính, gây khó khăn thêm cho NLÐ. Trong khi trách nhiệm đóng BHTN thuộc về người sử dụng lao động và việc để NLÐ tự đóng thay phần này là không bảo đảm công bằng cho chính họ. Vì vậy, quy định nên hướng đến các giải pháp khác như: Sử dụng quỹ BHTN để tạm ứng cho NLÐ khi doanh nghiệp chậm đóng hoặc nợ BHTN, sau đó có các biện pháp thu hồi từ người sử dụng lao động.

Quy định về khoảng thời gian đóng BHTN từ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp cũng chưa thật sự tạo công bằng giữa người tham gia 12 tháng và người tham gia 36 tháng, đồng thời, quy định thời gian hưởng BHTN tối đa 12 tháng cũng không phù hợp với nguyên tắc cân bằng giữa đóng và hưởng BHTN. Quy định NLÐ bị sa thải theo pháp luật về lao động và xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể làm giảm an sinh với NLÐ yếu thế.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi còn có một số nội dung mới nhưng chưa có giải pháp rõ ràng cho bối cảnh chuyển đổi số và tình trạng già hóa dân số, như quy định mở rộng đối tượng tham gia BHTN sang các ngành nghề tự do (tài xế công nghệ, youtuber, blogger…); quy định hỗ trợ NLÐ cao tuổi.

Dự thảo yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin kết nối thị trường lao động, nhưng chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, dẫn đến nguy cơ thiếu hiệu quả và khó triển khai đồng bộ trong thực tế, gây cản trở việc quản lý hiệu quả thông tin BHTN và bảo đảm quyền lợi cho NLÐ.

Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN trong Luật Việc làm là để bảo đảm quyền lợi của NLÐ được tốt hơn; vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, cử tri và các đối tượng chịu tác động trực tiếp đối với các quy định sửa đổi, bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của NLÐ.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động giám sát để bảo vệ người lao động

Chủ động kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa sai phạm và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn tại các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã và đang được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền chú trọng.

Chủ động giám sát để bảo vệ người lao động
Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế:
Hấp dẫn giải cầu lông để rèn luyện sức khỏe

Tối 8/11, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức giải cầu lông viên chức, người lao động - năm 2024 và hội thi tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội.

Hấp dẫn giải cầu lông để rèn luyện sức khỏe
Linh hoạt để gần gũi người lao động

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, người lao động.

Linh hoạt để gần gũi người lao động
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ĐA DẠNG SINH HỌC LIÊN HỢP QUỐC COP16:
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi “đầu tư đáng kể” để bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu

Theo tin từ AFP, Hội nghị các bên lần thứ 16 (COP16) của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Đa dạng sinh học (CBD) vừa chính thức khai mạc hôm qua (21/10) tại thành phố Cali (Colombia), nơi chính quyền đang trong tình trạng báo động cao sau những lời đe dọa từ một nhóm vũ trang.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi “đầu tư đáng kể” để bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu
Return to top