Báo cáo kinh tế - xã hội được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày trước Quốc hội sáng 22/5 cho thấy, có 9 địa phương bổ nhiệm người nhà vào 58 vị trí sai quy định, 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm. Và từ thông tin các báo đã nêu thì trong số đó, người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ là 15 người, không có chức vụ 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người, không có chức vụ 18 người)… Nếu được kiểm tra ở quy mô rộng hơn, chắc chắn không dừng lại ở con số đó.
Thực ra, pháp luật không cấm anh em, người nhà cùng làm cán bộ ở một địa phương. Và chúng ta cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, nếu trong một nhà hay trong một dòng họ có nhiều người làm cán bộ và đều có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, được tín nhiệm, đề bạt cũng không phải điều phải đưa ra mổ xẻ. Chuyện chồng là lãnh đạo một đơn vị địa phương, vợ làm quản lý cấp phòng, cấp đơn vị nhỏ hơn; em vợ, em chồng có những người là cán bộ, quản lý ở huyện cũng là chẳng có gì đáng nói khi có sự phấn đấu tốt, và được anh em tín nhiệm bỏ phiếu để có cơ sở đề bạt một cách khách quan, đúng quy trình.
Nhưng từ những vụ việc được phát hiện trên toàn quốc và trong thực tế đã cho thấy, có sự lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người nhà, người thân.
Còn nhớ, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016- phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ. Tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm. Chúng ta thi tuyển đề tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”. Hiện nay, chúng ta cũng đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết đã chỉ rõ có 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được đề cập đó là: “Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”.
Để góp phần xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền trong sạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ, cùng với việc vào cuộc xử lý nhanh chóng những vụ việc bổ nhiệm người nhà, người thân sai nguyên tắc, trái quy định, hoặc “đúng quy trình nhưng không chọn đúng người”, gây bức xúc trong dư luận thì vấn đề quan trọng đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 22/3/2017 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua; đồng thời, đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Hy vọng với những quy định mới, công tác cán bộ sẽ thực sự được đổi mới và chúng ta sẽ “chọn được người tài”, sẽ không có những cán bộ có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Cần hiểu rằng, quy định dù chặt chẽ đến đâu vẫn có thể có nhưng sơ hở và người ta sẽ tìm cách “lách”, và có thể sẽ vẫn xẩy ra tình trạng “bổ nhiệm người nhà”, “cả họ làm quan”. Vì vậy, đúng quy trình rồi nhưng luôn cần có sự công tâm của người đứng đầu; vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy; sự giám sát của quần chúng, đảng viên và việc theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy cấp trên.
Thụy Anh