Người dân xã Hồng Tiến cũ (nay là Bình Tiến) phát triển kinh tế bằng sản xuất các sản phầm từ gỗ rừng trồng
Dân đồng thuận, việc thành công
Bình Tiến được sáp nhập từ xã Bình Điền và Hồng Tiến theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc sáp nhập này nhằm làm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã. Ngày 13/1, Thị ủy Hương Trà cũng công bố Quyết định thành lập Đảng bộ xã Bình Tiến. Xã Bình Tiến mới thành lập có quy mô dân số trên 5.900 người, 278 đảng viên.
Những ngày chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã Bình Tiến tiếp tục làm công tác tư tưởng, tiến hành sắp xếp đội ngũ. Một số cán bộ được điều chuyển và cho thôi việc phần nào có tư tưởng, tâm lý không ổn định. “Xác định đây là kỳ đại hội rất quan trọng nên chúng tôi thêm một lần nữa làm công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Chúng tôi trực tiếp gặp gỡ họ để chia sẻ, trao đổi vướng mắc”, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tiến Hoàng Trọng Chiến chia sẻ.
Trước những ngày tên gọi mới được hình thành, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, không ít người dân xã Hồng Tiến cũ tâm tư, sợ mất đi danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang. Để “gỡ khó” tâm lý, cán bộ xã đã đến từng nhà người dân để tuyên truyền, giải thích. Đồng thời, hoàn thành biên soạn và công bố lịch sử Đảng bộ xã Hồng Tiến và Bình Điền. Từ đây, người dân thoải mái, cán bộ được “đả thông” tư tưởng, Đảng bộ xã Bình Tiến đã tổ chức một kỳ đại hội thành công với sự đồng thuận cao.
Nâng cao kinh tế, gìn giữ nét văn hóa đặc trưng
Sáp nhập không chỉ là phép cộng đơn thuần, gộp hai đơn vị hành chính thành một mà cần nâng cao đời sống của dân. Bình Tiến sau sáp nhập có những nền tảng, lợi thế riêng, nhưng song song với đó cũng có những khó khăn. Để xác định hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế, sau ngày đại hội, Đảng bộ xã Bình Tiến đã vạch ra những nhóm giải pháp để giúp dân phát triển kinh tế.
Với riêng người dân Hồng Tiến cũ, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa lẫn kinh tế ở mức khá thấp so với mặt bằng chung. Vì vậy, tạo việc làm cho nhóm người dân này được xem là nhiệm vụ quan trọng. “Tập quán sản xuất của họ có sự khác biệt với người dân đồng bằng, kinh tế gia đình khó khăn. Khi sáp nhập, tỷ lệ hộ nghèo theo đó tăng lên. Mục tiêu của chúng tôi là thu hẹp khoảng cách, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo tại Bình Tiến giảm xuống dưới 4%. Trước mắt, sẽ tổ chức giao đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, cử cán bộ thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ họ phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi, trồng cây ăn quả”, ông Chiến cho biết.
Bây giờ, tên gọi Bình Tiến đã bước đầu đi vào cuộc sống của người dân. Theo ông Chiến, thời gian tới, xã Hồng Tiến sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp hòa hợp lòng dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, bản sắc của đồng bào chiếm 1/5 dân số cũng được tiếp tục bảo tồn. Theo đó, Đảng ủy, chính quyền xã đang có kế hoạch trưng dụng trụ sở UBND xã Hồng Tiến cũ để xây dựng nhà truyền thống của Đảng bộ Hồng Tiến. Nơi đây không chỉ lưu giữ dấu tích lịch sử một thời mà còn là địa điểm trưng bày các vật dụng truyền thống của đồng bào 9 dân tộc anh em đang cùng nhau chung sống.
“Ngoài chăm lo đời sống cho người dân, trong nhiệm kỳ này, chúng tôi tiếp tục củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao nhận thức đến từng đảng viên. Đồng thời sẽ rà soát lại các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”, ông Chiến chia sẻ.
Bài, ảnh: Lê Thọ