Lãnh đạo tỉnh tuyên dương các điển hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. Ảnh: ANH PHONG
1. Nhiệm kỳ XIII tới sẽ có những thay đổi, khi chỉ còn rất ít cán bộ lãnh đạo trải qua chiến tranh, thay vào đó là một thế hệ cán bộ trưởng thành trong thời kỳ hòa bình. Đặc điểm đó đặt ra cho công tác cán bộ phải có tầm nhìn xa, khách quan trong phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ cho thời kỳ mới.
Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải có đủ tâm và tầm, đức và tài cho sự nghiệp của Đảng. Trong đó, phẩm chất “liêm chính” có tính chất quyết định về chất của cán bộ.
Nhìn lại khóa XII, chưa hết một nhiệm kỳ nhưng đau lòng và mất uy tín nhất lại từ công tác cán bộ. Gần 100 cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đương chức và nghỉ hưu, lãnh đạo cấp cao ở những cơ quan Trung ương, địa phương, tướng lĩnh lực lượng vũ trang bị kỷ luật, xử lý hình sự, 6 đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm. Không ít con em của lãnh đạo được xem như “hạt giống đỏ” bị “ngã ngựa” khi mới được bầu giữ cương vị lãnh đạo chưa lâu.
Mặc dù những năm gần đây Đảng ta xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm nhưng vẫn có nhiều cán bộ tiếp tục sai phạm, thậm chí mức độ nghiêm trọng hơn. Nhiều người bị cách hết chức vụ, khai trừ khỏi Đảng, bị xử lý hình sự. Tuy chỉ là một bộ phận nhưng đã làm suy giảm lòng tin của dân với Đảng, với hàng ngũ lãnh đạo.
Mới đây, nhìn những cán bộ cấp cao ở Đà Nẵng đứng trước vành móng ngựa mà cảm thấy đau lòng. Hội nghị Trung ương 12 lần này lại tiếp tục kỷ luật khai trừ Đảng đối với một cán bộ cấp cao nguyên là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng nói: “Rất đau lòng, nhưng không thể không làm vì uy tín của Đảng, tồn vong của chế độ”.
2. Mỗi thời kỳ, Đảng ta tiếp tục có những quy định mới khắt khe, ràng buộc hơn nhưng tại sao sai phạm vẫn diễn ra? Sẽ khó trả lời khi mà những người được quy hoạch đều đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được sàng lọc theo quy trình khắt khe. Tuy nhiên, cũng dễ nhận ra khi những cán bộ được bầu vào hàng ngũ lãnh đạo lại quên mất trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Từ cán bộ cấp cơ sở lên lãnh đạo cấp cao nhiều người đã bị che phủ bởi “vòng hào quang” của chức quyền; mờ mắt trước khối tài sản, tiền bạc khổng lồ của Nhà nước giao.
Ở những vị trí có nhiều người cầu cạnh, nịnh bợ, họ dễ quen tai bởi những lời đường mật, nịnh nọt mà quên quy định, nguyên tắc khi xử lý công việc. Những người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền chi phối ngân sách mỗi khi duyệt dự án trở thành “lệ” lại quả từ nhỏ đến lớn, có thể còn những khoản tiền khủng. Khi đã dính đến tiền bạc bắt đầu khó gỡ, “đâm lao phải theo lao”, cuối cùng dẫn đến sai phạm. Năm Cam ở TP. Hồ Chí Minh 20 năm trước đã mua chuộc được hàng loạt cán bộ với phát ngôn: “Khi không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Vũ Nhôm (Đà Nẵng) khai trước tòa không quen biết, không chạy chọt, nhưng liệu những lãnh đạo ở địa phương này có “khờ dại” khi ký duyệt cho Vũ, làm thất thoát của Nhà nước hơn 20 ngàn tỷ đồng mà không “có gì” đằng sau? Đó chính là một số nguyên nhân làm cho cán bộ sa ngã, biến chất dù đã được soát xét, sàng lọc kỹ trước khi bầu, bổ nhiệm.
3. Những cán bộ sai phạm vừa qua có nguyên nhân từ lựa chọn chưa đúng của cấp ủy, nhưng quan trọng nhất là họ thiếu tu dưỡng, thiếu bản lĩnh trước cám dỗ vật chất. Những tiêu chuẩn, quy định của Đảng mới chỉ là lựa chọn ban đầu, quá trình thực tế lại phụ thuộc vào mỗi con người cụ thể. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, ràng buộc vào cơ chế, pháp luật thì sự sa ngã là khó tránh khỏi.
Trong phát biểu kết luận Hội nghị 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tiêu chuẩn cán bộ vào cấp Trung ương phải “dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng”. Những tiêu chuẩn này đã được quy định trong Điều lệ Đảng, Những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương..., Quy định kiểm soát quyền lực, Luật Phòng, chống tham nhũng... Lần này, Tổng Bí thư khái quát lại và nhấn mạnh là sự nhắc nhở cần thiết, làm ráo riết thêm nữa cũng không thừa. Quan trọng nữa là xác định bản chất liêm chính của cán bộ đưa vào diện quy hoạch phải gắn với trách nhiệm giới thiệu, tiến cử của tổ chức, của lãnh đạo có thẩm quyền. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư không chỉ áp dụng cho cán bộ cấp Trung ương mà cấp cơ sở cũng phải xem đây là những tiêu chí cần thiết, phải làm hết sức nghiêm túc.
Bước chuẩn bị nhân sự cho đại hội được xem như một đợt chỉnh huấn, sàng lọc, nhằm chọn lựa cán bộ lãnh đạo “vừa hồng, vừa chuyên”. Cán bộ, Nhân dân kỳ vọng có đội ngũ lãnh đạo với phẩm chất thật sự liêm chính cho một nhiệm kỳ mới.
NGUYỄN AN HÒA