ClockChủ Nhật, 31/03/2019 07:39

Chống “chạy chức”, “chạy quyền”:Phải đặt công tác cán bộ dưới ánh sáng

Theo ông Lê Văn Cương, phải đặt công tác cán bộ dưới ánh sáng, vì nếu càng bí mật thì càng “chạy chức”, “chạy quyền”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Chống hiện tượng co cụm, chạy chức chạy quyềnKiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”Chống “chạy” quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

“Chạy chức”, “chạy quyền” diễn biến tinh vi, phức tạp

Liên tiếp trong 2 Đại hội XI và XII, Đảng ta đều nhấn mạnh đến những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, đặc biệt là tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy bằng cấp”- một trong những biểu hiện cụ thể phản ánh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), không phải ngẫu nhiên thực trạng “chạy chức”, “chạy quyền” lại được đề cập liên tục trong các Nghị quyết của Đảng như vậy. Bởi lẽ, tình trạng này đã và đang diễn ra trong thực tế, ở nhiều nơi, với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, bằng mọi thủ đoạn, mánh lới, lợi ích nhóm để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn. Mục đích “chạy” cũng rất đa dạng: chạy để lên chức, chạy vào biên chế, chạy ghế, chạy bằng cấp, chạy thành tích, chạy luân chuyển...

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).

Hình thức “chạy” diễn ra trong “bóng tối”, nơi bí mật, nên gần như chỉ có người “chạy” và người được “chạy” biết mới nhau. Có những vị trí như phó trưởng phòng ở một Sở, nhưng cũng có người “chịu chi” một khoản tiền không nhỏ để có được chức vụ vì dù là phó ở Sở này nhưng nhiều khi lại quan trọng hơn cả trưởng ở Sở khác.

“Dù chức nhỏ nhưng họ vẫn sẵn sàng “chạy” vì thấy được tương lai vị trí đó sẽ sinh lời cho họ. Họ bỏ tiền ra đầu tư thì chắc chắn sẽ thu lại được, còn những vị trí thấy khó “kiếm chác” thì họ sẽ không đầu tư. Nên việc đưa - nhận tiền “chạy” cũng là một trong những hình thức đưa - nhận hối lộ” – ông Lê Văn Cương cho biết.

Tuy nhiên, có thể thấy, sau hơn 2 năm tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 về  Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã có tác động rất lớn đối với đội ngũ cán bộ đảng viên; bên cạnh đó, những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã để lại những dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Nhờ những tác động trực tiếp đó, tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” được đánh giá đã suy giảm trong thực tiễn, công tác cán bộ ở một số nơi cũng đã lành mạnh hơn, song không vì thế mà chủ quan vì diễn biến của nó vẫn đang hết sức tinh vi, phức tạp trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, vấn nạn “chạy chức”, “chạy quyền” đã và đang gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội, trong chính công tác cán bộ. Khi cán bộ lên chức nhờ chạy chọt mà không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc nên hiệu quả công việc thấp, thậm chí mắc khuyết điểm, sai lầm, làm uy tín của tổ chức giảm sút.

Do lên chức không phải bằng năng lực của mình, nên khi cán bộ vào vị trí lãnh đạo, quản lý dễ sa vào lộng quyền, lạm quyền, nhũng nhiễu, tạo bức xúc trong xã hội. Vấn nạn “chạy” làm cho những người có năng lực trình độ mất động lực phấn đấu, trở nên chán chường, không yên tâm, dễ sinh tâm lý “chạy” theo trào lưu vì sợ cơ hội sẽ rơi vào tay người khác.

Cứ thế, ai mạnh, ai nhiều mối quan hệ thì “chạy” mà không còn quan tâm tới việc phải tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực sự để có được vị trí. Thực trạng này khiến người dân bất bình, niềm tin, sự công bằng trong xã hội bị suy giảm, làm mất sức chiến đấu của đảng viên và suy giảm uy tín của tổ chức Đảng.

Thi tuyển cạnh tranh để chống “chạy chức”, “chạy quyền”

Để phòng ngừa, ngăn chặn “chạy chức”, “chạy quyền”, theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn cần phải ngăn chặn từ 2 phía là người “chạy” và người tạo cơ hội cho người khác “chạy”.

Xác định rõ trách nhiệm, rõ quyền hạn của tập thể cấp ủy, người đứng đầu, người giới thiệu, cán bộ làm công tác tham mưu đối với các trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ. Nếu những chủ thể có quyền quyết định trong công tác cán bộ mà không khách quan, vô tư, công tâm, “yêu nến tốt, ghét nên xấu” thì việc đánh giá, nhận xét cán bộ sẽ không thực chất và lá phiếu của họ cũng sẽ bị méo mó vì những mối quan hệ chằng chịt khác. Ai làm không tốt, làm méo mó đi vì động cơ vụ lợi thì phải xử lý.

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng.

Đối tượng đi bỏ phiếu cũng phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, phải có trình độ để nhìn nhận, đánh giá cán bộ có năng lực thực sự nổi trội không, có phải là người thực sự tin tưởng, tiêu biểu không.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm có thể bị méo mó nếu chúng ta không có kiến thức để đánh giá đúng con người. Nếu không có trách nhiệm cao, không bị chi phối bởi động cơ cá nhân thì chắc chắn chúng ta sẽ tham góp vào công tác đánh giá cán bộ một cách thực chất nhất – ông Nguyễn Minh Tuấn nói và cho biết, đánh giá cán bộ không chỉ nhìn vào hồ sơ mà còn phải căn cứ vào năng lực thực tế để có sự so sánh, đối chiếu.

Người đứng đầu đơn vị phải trong sáng, lấy công việc, năng lực, phẩm chất của người được bổ nhiệm làm thước đo, chứ không bị chi phối bởi các mối quan hệ con ông cháu cha, cánh hẩu hay lợi ích nhóm. Đặc biệt, người đứng đầu phải gương mẫu, có tầm nhìn vì lựa chọn cuối cùng vẫn do họ quyết định.

Cùng bàn về vai trò người đứng đầu trong công tác cán bộ, ông Lê Văn Cương nhấn mạnh rằng: “Người đứng đầu trong sáng thì cán bộ đảng viên sẽ yên tâm; ngược lại người đứng đầu nhúng chàm thì nói ai nghe, người ta sẽ không tin nữa”.

Để chống “chạy chức”, “chạy quyền, giải pháp đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để đảm bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao đúng người và giám sát cán bộ trong quá trình thực thi quyền lực. Bên cạnh đó, phải công khai, khách quan, minh bạch trong thi tuyển cạnh tranh, tạo cơ hội cho tất cả các ứng viên trình bày chương trình hành động về vị trí công việc, cá nhân nào đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được lựa chọn.

Theo ông Lê Văn Cương, nhóm giải pháp quan trọng không thể không nhắc đến đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của người dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như các cơ quan báo chí. Bởi tai mắt của nhân dân là một trong những thước đo quan trọng để nhận biết, đánh giá những kẻ “chạy chức”, “chạy quyền”.

“Bộ lọc nhân dân là bộ lọc chính xác nhất. Phải đặt công tác cán bộ dưới ánh sáng, vì nếu càng bí mật thì càng “chạy chức”, “chạy quyền”. Chọn cán bộ lãnh đạo thì người dân, các thành viên trong đơn vị phải được biết người nào là tốt nhất, giỏi nhất”- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top