Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 20. Ảnh: noichinh.vn
1. Nếu tham nhũng được chỉ rõ bằng những hành vi trong các quy định của Đảng, các tội danh trong luật hình sự thì tiêu cực có phạm vi rộng, nhiều mặt hơn, nhiều hiện tượng chưa quy định trong luật, nhất là về tư tưởng chính trị. Tham nhũng chủ yếu gây thiệt hại về vật chất, nhưng tiêu cực gây ra tác hại về vật chất và tư tưởng, khía cạnh khác nó còn là nguyên nhân dẫn tới tham nhũng. Cho nên, đấu tranh phòng, chống tiêu cực cũng chính là phòng, chống tham nhũng hiệu quả nhất.
Phạm vi của tiêu cực mới được nhận diện rõ hơn khi có nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 12. Qua đó xác định đúng những đối tượng cần được nhận diện và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống. Bên cạnh chống tham nhũng đã làm từ nhiều năm, đến nay, Ban chấp hành Trung ương bổ sung thêm chức năng “chống tiêu cực” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp thực tế đòi hỏi. Điều này cho thấy, Đảng ta đã nhận rõ vấn đề tiêu cực có ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò, uy tín của Đảng, cần được đưa vào nhiệm vụ phòng, chống của Đảng và hệ thống chính trị.
Khái quát nhất của tiêu cực là 27 biểu hiện: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đã có một bộ phận đảng viên nói không đi đôi với làm, công thần chính trị dẫn đến tự cao, tự đại, xa rời tổ chức và Nhân dân.
Có những cán bộ xa rời lý tưởng cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, chế độ xã hội chủ nghĩa, hạ thấp vai trò của Đảng, ủng hộ “đa nguyên, đa đảng”. Một bộ phận đảng viên sống thực dụng, buông thả, hưởng lạc, cá nhân chủ nghĩa, bất chấp uy tín, danh dự người đảng viên. Cán bộ lãnh đạo ở một số ngành, địa phương lo vun vén cá nhân, lạm dụng bổ nhiệm “người nhà, người thân” vô nguyên tắc, tràn lan được núp dưới danh nghĩa “đúng quy trình”. Tình trạng hối lộ, tham nhũng tác động trước mắt và lâu dài đến quản trị quốc gia, phá vỡ kỷ cương phép nước, làm hư hỏng cán bộ, mất lòng tin của Nhân dân. Tiêu cực gây ảnh hưởng không tốt đến tổ chức, cán bộ đảng viên, một số biểu hiện gây bức xúc trong Nhân dân, thậm chí tác động nghiêm trọng đến an nguy của chế độ.
2. Lâu nay chúng ta mới đặt nặng về phòng, chống tham nhũng và đã làm quyết liệt, nhưng chống những biểu hiện tiêu cực làm chưa nhiều, xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật chưa tương xứng số có biểu hiện xấu. Đại hội lần thứ 13 của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, lành mạnh... Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Vấn đề cơ bản cần xác định là chống tham nhũng, tiêu cực phải được đặt ở vị trí quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Không phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân, sự vững mạnh của chế độ chính trị. Các tầng lớp Nhân dân hiện nay quan tâm, lo lắng và phản ứng gay gắt đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao suy thoái, biến chất. Kỳ vọng bao nhiêu vào sự nghiệp “đốt lò” của Đảng lại càng bức xúc hơn sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra, thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục chỉ ra hàng loạt cán bộ sai phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng về kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực cả trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai lĩnh vực có liên quan đến nhau, tiêu cực dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc cơ bản của tham nhũng. Ngược lại, chống tham nhũng chính là loại bỏ tiêu cực có hiệu quả nhất. Bởi vì lợi ích kinh tế thường gắn với quyền lợi chính trị, chức quyền, sự biến chất về đạo đức, lối sống. Suy thoái, biến chất dẫn đến tham nhũng, tiêu cực đã vi phạm về “trách nhiệm nêu gương”, trách nhiệm “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các phong trào dù đã được Đảng phát động từ nhiều năm nay nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự soi tự sửa” chưa đạt kết quả như kỳ vọng của Đảng và Nhân dân, yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang còn bỏ ngỏ. Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, trong đó các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12 và 13), Quy định “Về trách nhiệm nêu gương...”, Quy định 102 “Về xử lý đảng viên sai phạm”... là những nội dung cơ bản. Cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực phải được duy trì, tiếp tục làm mạnh hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra tiêu cực là một loại “giặc” phải được diệt trừ. Nhận định được Bác chỉ ra dù khác nhau về thời gian, nhưng rất đúng với 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 đã nêu. Đã đến lúc chống tiêu cực cần được chấn hưng mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
NGUYỄN AN HÒA