Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Baochinhphu.vn
Trong các nhiệm kỳ trước, chúng ta không khỏi băn khoăn, lo lắng khi trong văn bản của Đảng đã công khai đánh giá tham nhũng trở thành “vấn nạn”, “giặc nội xâm”… Dư luận cán bộ, Nhân dân lo lắng về vận mệnh của đất nước nếu tham nhũng không được ngăn chặn, đẩy lùi, từ những vụ lớn cho đến nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”; không chỉ ở Trung ương mà cả ở địa phương; không chỉ trong các cơ quan kinh tế mà cả trong cơ quan văn hóa, xã hội, y tế, lực lượng vũ trang và ngay cả trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng đã được nâng lên, nhất là từ nhiệm kỳ khóa 12. Phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ mà trở thành “một phong trào” của toàn Đảng và hệ thống chính trị.
Từ 2005, Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng được nâng lên thành Luật, cho thấy tính chất phức tạp của tệ nạn nguy hiểm này, không chỉ là thất thoát tài sản quốc gia mà còn là đạo đức xã hội, đạo đức cán bộ, trì trệ bộ máy.
Tham nhũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội, làm mất lòng tin của Nhân dân với Đảng và chế độ. Trước đây, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ, tuy có làm được nhiều việc, nhưng không thể là cơ quan quản lý lại vừa phòng, chống tham nhũng theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khó khách quan, cơ chế vướng mắc.
Từ cuối 2012, cơ quan phòng, chống tham nhũng được chuyển cho cơ quan Đảng quản lý dưới sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm trưởng ban. Sau gần 10 năm dưới sự điều hành, chỉ đạo của Ban chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được những thành quả tích cực.
Thực tế trong nhiều năm qua, tham nhũng không chỉ xảy ra ở cấp trên mà ở cơ sở cũng phức tạp không kém, thậm chí còn phức tạp hơn. Nhiều địa phương, tình trạng tham nhũng trong các dự án xây dựng, chuyển đổi đất lấy hạ tầng, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt diễn ra ở nhiều cơ quan. Tham nhũng không chỉ trong quản lý công mà còn có sự câu kết giữa chủ các doanh nghiệp với cơ quan quản lý, chủ đầu tư và quan chức các cấp. Các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất, quản lý đấu thầu, chuyển đổi trái phép tài sản công...
Khi đang còn “trên nóng dưới lạnh” thì “chuyển lửa” xuống làm nóng bên dưới là kịp thời, tạo sự đồng bộ, trách nhiệm lớn hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, giao chức năng cho cấp dưới là cần thiết nhằm tạo ra được phong trào chung. Trung ương không thể ôm đồm, làm thay chức năng cấp dưới khi xác định tham nhũng sẽ tiếp tục có nhiều phức tạp mới. Có thể nói, chuyển Ban chỉ đạo từ Chính phủ sang cho cơ quan Đảng là bước ngoặt lớn thì đến nay, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là bước tiến mới cho công cuộc phòng, chống tham nhũng. Bây giờ việc quan trọng là cần có cơ chế chặt chẽ, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia.
Ở địa phương, dù muốn hay không cũng có những mặt khách quan tác động đến hiệu quả làm việc. Phần lớn người chịu trách nhiệm đều có những mối quan hệ trên - dưới, đồng hương, bạn bè, đồng nghiệp… trong một địa bàn, lại gặp nhau thường xuyên, nhiều mối quan hệ ràng buộc nên dễ nảy sinh nể nang, làm thiếu quyết liệt hoặc bỏ qua cho nhau. Sắp tới đây, khi công tác luân chuyển, điều động các chức vụ chủ chốt ở một số ngành không phải người địa phương sẽ hạn chế được tiêu cực, nhưng cũng cần phải kiểm tra, ràng buộc lẫn nhau. Do tính chất kiêm nhiệm, cần thiết có thể thành lập thêm tổ giúp việc, lấy cán bộ có kiến thức pháp luật, có chuyên môn về thanh tra, kiểm tra để tham mưu cho Ban chỉ đạo. Yêu cầu quan trọng nhất là chọn người có năng lực, liêm khiết và dám có tiếng nói mạnh dạn, thuyết phục trong đấu tranh, không phải chỉ làm thống kê, báo cáo hành chính.
Xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, kiêm trưởng ban chỉ đạo là quan trọng nhất. Trưởng ban không làm đầy đủ chức trách, lơ là, thiếu quyết liệt sẽ phải chịu trách nhiệm khi xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực tại địa phương của mình. Cho nên người đứng đầu cần xác định gắn trách nhiệm cao nhất, làm không hiệu quả phải chịu trách nhiệm kỷ luật trước cấp trên. Những quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy định những điều đảng viên không được làm và Quy định từ chức, miễn nhiệm là những quy định ràng buộc với người đứng đầu ở địa phương cần được nhắc nhở, chấn chỉnh thường xuyên.
Thực tế ở cấp Trung ương, khi người đứng đầu các ngành chỉ đạo kiên quyết, liêm chính, minh bạch, vì sự nghiệp chung đã đem lại kết quả cao như vừa qua. Ở địa phương, nếu người đứng đầu công tâm, liêm khiết, không vì lợi ích nhóm thì chắc chắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt được hiệu quả.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH