Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm cán bộ vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc”. Ảnh: TTXVN
1. Xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, đòi hỏi phải có một thế hệ được rèn luyện, có đủ tri thức, bản lĩnh để xây dựng đất nước. Đó là yêu cầu quan trọng để xác định cần phải làm gì trong đào tạo, bồi dưỡng và chuyển giao cho lớp trẻ.
Có ý kiến cho rằng, thế hệ mới còn quá trẻ, chưa được tôi luyện; có người lại yêu cầu cần trẻ hóa hơn nữa nhằm chống sự bảo thủ, trì trệ. Ý kiến nào cũng có quan điểm, trăn trở riêng. Tuy nhiên, cần phải có cái nhìn khách quan trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và thực tế cán bộ. Cán bộ ở độ tuổi 7x, 8x được bổ nhiệm mới so với lớp lãnh đạo trước đây có thể cho là trẻ, nhưng đó là độ tuổi đã bắt đầu độ chín, đủ tầm nhìn, đảm đương được vị trí lãnh đạo.
Những năm gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện luân chuyển cho cán bộ tiếp cận, làm quen kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Ngày càng có nhiều cán bộ lãnh đạo giữ cương vị chủ chốt từ cơ sở đến Trung ương ở độ tuổi trên, dưới 40. Cán bộ được bổ nhiệm cương vị cao ở nhiều địa phương đã thể hiện bản lĩnh, từng bước vững vàng, sẵn sàng tiếp nhận vai trò của mình. Dù còn trẻ nhưng phần lớn đã trưởng thành, vươn lên đảm trách nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, là nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý đầy tiềm năng. Nhiều nơi xuất hiện những cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, quyết đoán, xông xáo, xử lý hiệu quả những vấn đề nóng, “nhạy cảm”... Nhiều cán bộ được học hành bài bản, được du học, tiếp thu được khoa học tiên tiến, có đủ tri thức, khả năng thích ứng với hội nhập quốc tế. Đó thực sự là những nhân tố cần thiết để sẵn sàng kế thừa lớp trước.
2. Tuy nhiên, do tuổi đời còn trẻ nên nhiều cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm công tác, bị tác động tiêu cực bởi kinh tế thị trường. Không ít cán bộ được đề bạt quá trẻ sinh ra chủ quan, cao ngạo, bị cám dỗ vật chất, sớm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, thu vén cá nhân. Một số có được chức vụ sinh ra tự mãn, sớm công thần, xem thường người khác nên không chịu học hỏi, tiếp thu góp ý, coi thường cán bộ lớn tuổi, dần dần bị mất uy tín. Một số ít phấn đấu chỉ vì danh vọng, quyền lực, mưu cầu cho quyền lợi cho mình nên không thực sự xả thân hy sinh quyền lợi vì tập thể. Không ít người sinh ra trong gia đình có truyền thống nhưng với nguyên nhân khác nhau đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quay lại chống Đảng, Nhà nước.
Trong khi đó, công tác tổ chức cán bộ còn có hiện tượng ưu ái, vun vén, “nâng đỡ không trong sáng” hoặc bổ nhiệm cán bộ “quá non”, chưa đủ khả năng đảm đương công việc. Có nơi bổ nhiệm bởi tác động “con cha cháu ông” dẫn tới “chín ép” đã gây tai tiếng, mất niềm tin trong cán bộ, Nhân dân. Có người chưa thể hiện được tài năng, dấu ấn “đặc biệt”, không thực sự xuất chúng nhưng trong thời gian ngắn liên tục được cất nhắc vào chức vụ cao một cách “đột biến”. Điều đó vi phạm nguyên tắc, làm sai lệch quy định của Đảng.
3. Để đất nước ngày càng phát triển, không đi chệch Cương lĩnh, đường lối của Đảng đòi hỏi phải có những người lãnh đạo được tôi luyện bản lĩnh, đủ tâm và tầm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước hết, cần đổi mới công tác cán bộ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, tạo điều kiện cho lớp trẻ được rèn luyện, thử thách trong môi trường thực tiễn. Không vì nôn nóng mà bổ nhiệm “đốt cháy giai đoạn”, giao việc quá tầm khi chưa đủ kinh nghiệm.
Bổ nhiệm cán bộ trẻ là cần thiết nhưng phải có đủ đức và tài, đủ tiêu chuẩn quy định, bố trí chức vụ từ thấp đến cao nếu không thật sự có tài năng xuất chúng. Không để ràng buộc, chi phối bởi các mối quan hệ, những tính toán “hậu trường”để đưa “người thân”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” vào hàng ngũ lãnh đạo. Quan trọng nhất là không chấp nhận “chạy chức, chạy quyền”, xác định “Đã chạy là không dùng” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh. Cấp trên phải thực sự gương mẫu cho lớp sau soi vào học tập tác phong lãnh đạo và đạo đức công vụ, không để “kế thừa” gương xấu, tiêu cực...
Các cấp ủy Đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời những lệch lạc, giúp cán bộ trẻ nhận thức đúng vấn đề. Phải thường xuyên uốn nắn, nhắc nhở, trao quyền lực đi đôi với quản lý, theo dõi. Bài học về những cán bộ lãnh đạo trẻ sớm bị “ngã ngựa” trong những năm qua là cảnh báo rất cần thiết về tầm quan trọng của giáo dục, quản lý cán bộ trẻ.
Sự nghiệp 90 năm của Đảng và Nhân dân ta đấu tranh cho dân tộc không tự trên trời rơi xuống. Để có được như hôm nay, các thế hệ cha anh đi trước phải hy sinh biết bao xương máu. Tin rằng, thế hệ mới sẽ cống hiến hết mình vì truyền thống và làm tròn sứ mệnh cao cả.
NGUYỄN AN HÒA